Gmail

Fanpage

Liên hệ

image banner
     
image banner
image banner
image banner
Ninh Bình xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch “Tuyệt sắc miền Cố đô”
(TITC) - Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm, xây dựng thương hiệu điểm đến nhằm tăng sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế địa phương. 

Nhận thức rõ tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng và cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho đầu tư cũng như phát triển thương hiệu du lịch. Trong đó, Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 xác định bước chuyển chiến lược phát triển từ “chiều rộng” sang “chiều sâu”, từng bước xây dựng điểm đến du lịch “An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”. Như vậy, Ninh Bình đã định vị khá rõ thương hiệu du lịch, đồng thời đưa ra định hướng và giải pháp cụ thể, sát với thực tế.

Từ năm 2001 đến nay, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch: Nghị quyết số 03 (năm 2001) về phát triển du lịch đến năm 2010; Nghị quyết số 15 (năm 2009) về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02 (năm 2016) về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới Danh thắng Tràng An và gần đây nhất là Nghị quyết số 07 (năm 2021) về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó xác định phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều loại hình du lịch. Ninh Bình đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, lịch sử văn hóa, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.

Tỉnh Ninh Bình đã có định hướng về tầm nhìn, chiến lược rõ ràng, đó là xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch - một điểm đến du lịch hàng đầu không chỉ ở Việt Nam mà ở cả khu vực Châu Á và trên thế giới. Vì vậy phải có sản phẩm du lịch đặc thù mang dấu ấn riêng, mang chiều sâu văn hóa và có chất lượng, không chỉ về cảnh quan tự nhiên, về du lịch sinh thái, mà là những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị hội thảo, hay những sản phẩm du lịch có chất lượng tốt để tạo ra thương hiệu cho du lịch Ninh Bình.

Nhiều sản phẩm du lịch đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế, trở thành những sản phẩm đặc trưng, “điểm nhấn” về du lịch của tỉnh, góp phần vào việc hình thành thương hiệu du lịch Ninh Bình như: khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, Vườn Quốc gia Cúc Phương; ẩm thực đặc sắc như thịt dê, cơm cháy…

Bên cạnh đó, nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa, ẩm thực đã được xây dựng và phát triển thành các sản phẩm du lịch nổi bật như: Lễ hội Hoa Lư, Tràng An, Tuần Du lịch sắc vàng Tam Cốc - Tràng An, Festival Tràng An Kết nối Di sản, thịt dê - cơm cháy… Hình ảnh, thương hiệu của các sản phẩm này gắn liền với hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình, bổ trợ cho nhau, tạo sức hấp dẫn với du khách.

Ngành Du lịch Ninh Bình đã đề ra nhiều giải pháp phát triển các loại hình du lịch, xây dựng thương hiệu các sản phẩm du lịch, trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, lịch sử văn hóa gắn với bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, cụ thể:

Du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh: Đây là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại. Các điểm du lịch được khách du lịch tìm đến nhiều nhất khi đến Ninh Bình, như: Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính và Tràng An, trong đó chùa Bái Đính và Tràng An đều nằm trong di sản thế giới. Quần thể danh thắng Tràng An có sự kết hợp đan xen giữa di chỉ khảo cổ thời tiền sử, có nhiều kiến trúc nghệ thuật truyền thống đã được xếp hạng, kết hợp với nhiều lễ hội truyền thống, hấp dẫn khách du khách như: Lễ hội Tràng An; lễ hội Chùa Bái Đính; lễ hội Đền Thái Vi...

Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng: Du lịch Ninh Bình đã tích cực đầu tư vào các khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động; Vườn Chim - Thung Nham, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu Du lịch hang Múa; Khu Bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long..., các tuyến du lịch sinh thái tại Ninh Bình khá đa dạng, phong phú và các khu du lịch đều có các quy định về bảo vệ môi trường và hướng dẫn du khách gìn giữ vệ sinh chung tại các điểm du lịch. Các khu nghỉ dưỡng được xây dựng gần các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, có nhiều tiện ích và trải nghiệm cho du khách.

Du lịch trải nghiệm và tham quan thắng cảnh: Dựa vào đặc điểm tài nguyên tự nhiên và văn hóa mỗi địa phương, các doanh nghiệp du lịch đã xây dựng chương trình du lịch, kết hợp với tham quan thắng cảnh, chủ yếu diễn ra ở các điểm du lịch như Tràng An, Bái Đính, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Tam Cốc - Bích Động; Vườn Chim - Thung Nham... Đặc biệt khách du lịch quốc tế thích đi xe đạp khám phá vẻ đẹp của vùng quê, tìm hiểu văn hóa bản địa, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, văn hóa ẩm thực tại địa phương.

Du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã phát triển loại hình du lịch này tại các xã Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, không chỉ có cảnh quan thiên nhiên đẹp, trù phú, rất thuận lợi cho việc tổ chức hình thức du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn, mà còn mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.

Hiện tại Ninh Bình có nhiều huyện, thành phố có sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP được phát triển đều trên các địa bàn, có khả năng phục vụ cho khách du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Cánh đồng lúa Tam Cốc từng lọt top 15 địa danh "Tuyệt đẹp nhưng ít người biết đến" do tờ Telegraph (Anh) bình chọn. Với những giá trị tiềm năng đó, các sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn ở Ninh Bình đang dần được hình thành, giúp khai thác có hiệu quả các giá trị cảnh quan vùng nông thôn, góp phần duy trì, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Mô hình du lịch nông thôn tại Ninh Bình được hình thành và đưa vào khai thác, người dân đóng vai trò nòng cốt, cung cấp các dịch vụ cho du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, họ tận dụng những phương tiện thô sơ như xe trâu, thuyền nan, tổ chức các hoạt động du lịch, hướng du khách về với thiên nhiên, được ăn, ở, sinh hoạt cùng với gia đình và tham gia vào các công việc sinh hoạt thường ngày của cộng đồng, cũng như các lễ hội của địa phương.

Du lịch thể thao: Với những lợi thế về địa hình đa dạng, cơ sở hạ tầng được đầu tư, Ninh Bình có điều kiện thuận lợi để tổ chức một số hoạt động du lịch thể thao như: Gold (Nho Quan, Tam Điệp), Marathon (Cúc Phương, cung đường Tràng An), Trekking (Cúc Phương)...

Xây dựng hình ảnh thương hiệu bằng chính các sản phẩm du lịch tiêu biểu, chất lượng dịch vụ, sự thân thiện, hiếu khách của người dân, môi trường du lịch văn minh, an toàn… kết hợp với việc truyền thông quảng bá hình ảnh thương hiệu điểm đến đã giúp Ninh Bình được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế đánh giá và bình chọn là điểm đến hấp dẫn hàng đầu Việt Nam. Hiện nay, tỉnh đang tập trung truyền thông bộ nhận diện thương hiệu du lịch Ninh Bình “Tuyệt sắc miền Cố Đô”, quảng bá tới các thị trường khách trong nước và quốc tế.

nguồn: vietnamtourism.gov.vn

Trung tâm Thông tin du lịch

  • Từ khóa :
Tin mới