Gmail

Fanpage

Liên hệ

image banner
     
image banner
image banner
image banner
Hội nghị “Định hướng Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích thời Trần trong Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và vùng phụ cận”
Sáng ngày 12/11, Sở Du lịch phối hợp với Viện Khảo cổ học và Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức hội nghị Định hướng Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích thời Trần trong Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và vùng phụ cận.

Chủ trì Hội nghị có đồng chí Bùi Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch. Tham dự hội nghị còn có sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo một số sở, ngành,các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện 12 xã, phường trong phạm vi Di sản, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.

anh tin bai

Đồng chí Bùi Văn Mạnh phát biểu khai mạc tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại Hội nghị, đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch đã khẳng định: Các di tích thời Trần trong Quần thể danh thắng Tràng An không chỉ là biểu tượng của sự phát triển văn hóa, mà còn là minh chứng sống động cho sự tồn tại và phát triển của lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ tại vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử. Trong vùng Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An có 03 nhóm di tích phản ánh diễn trình lịch sử của vùng đất Ninh Bình trong dòng chảy lịch sử dân tộc, đó là: hệ thống di tích trong các hang động thời Tiền sử gắn với quá trình định cư của con người cách đây hơn 30.000 năm trước; Kinh đô Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê thế kỷ X và hệ thống di tích liên quan đến Hành cung Vũ Lâm thời Trần thế kỷ XIII.

Hiện nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại Quần thể danh thắng Tràng An vẫn còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, hệ thống di tích thời Trần cần được tích hợp vào Quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An – Tam Cốc – Bích Động, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ đó mới có thể xây dựng chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch bền vững.

Trình bày báo cáo trung tâm, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học đã nêu bật: Hành cung Vũ Lâm có giá trị lịch sử văn hóa rất đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Việc xây dựng Hành cung gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông của quân dân Đại Việt và sự kiện xuất gia của Phật hoàng Trần Nhân Tông dưới triều Trần.

Hệ thống các di tích thời Trần trong Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và vùng phụ cận rất phong phú, đa dạng với 7 di tích khảo cổ có chứa những dấu tích liên quan đến Hành cung Vũ Lâm; 02 phế tích tháp Phật giáo thời Trần, cùng khoảng 40 di tích thờ tự có truyền thuyết, sự tích hoặc nhân vật thờ liên quan đến thời Trần. Những di tích đó không chỉ là biểu tượng của sự phát triển văn hóa, mà còn là minh chứng sống động cho sự tồn tại và phát triển của lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ tại vùng đất Cố đố Hoa Lư lịch sử. Các di tích này phản ánh rõ nét những giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc và tín ngưỡng của một triều đại thịnh vượng bậc nhất trong dòng chảy lịch sử qua các triều đại phong kiến Việt Nam.

Do đó, hệ thống các di tích thời Trần trong khu vực Quần thể danh thắng Tràng An, đặc biệt là các dấu tích khảo cổ liên quan đến Hành cung Vũ Lâm thời Trần rất cần được tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị để góp phần tăng cường, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, tạo điểm nhất quan trọng trong vùng Di sản phục vụ khai thác du lịch, góp phần xây dựng hình ảnh Di sản thế giới của Việt Nam ở tỉnh Ninh Bình.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, các nhà khoa học và đại diện các doanh nghiệp đã trao đổi và đóng góp những thông tin quan trọng về các dữ liệu lịch sử liên quan đến Hành cung Vũ Lâm, bàn về các giải pháp hệ thống di tích thời Trần cần được tích hợp vào Quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ đó mới có thể xây dựng chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch bền vững.

Hội nghị Định hướng Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích thời Trần trong Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và vùng phụ cận là một sự kiện quan trọng nhằm làm rõ vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của Hành cung Vũ Lâm trong lịch sử dân tộc, đồng thời xác định các giải pháp trọng tâm để bảo tồn và phát triển du lịch văn hoá gắn liền với di tích Hành cung Vũ Lâm. Qua đó tiếp tục tôn vinh, quảng bá và lan tỏa các giá trị của Di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, tạo tiền đề để Ninh Bình xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ trong tương lai không xa.

Tin bài: Phòng Nghiệp vụ Nghiên Cứu

Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An

  • Từ khóa :
Tin mới