Hội thảo khoa học “Hành cung Vũ Lâm thời Trần – Vai trò lịch sử và định hướng bảo tồn, phát huy giá trị”
Quần thể danh thắng Tràng
An khẳng định vị thế với những giá trị nổi bật toàn cầu. Không chỉ là một di sản thiên nhiên thế giới mà
còn là nơi hội tụ những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, trong đó có các di
tích thời nhà Trần, một vương
triều trí tuệ và thịnh vượng bậc nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến
Việt Nam. Các di tích thời Trần trong Quần thể danh thắng Tràng An
không chỉ là biểu tượng của sự phát triển văn hóa, mà còn là minh chứng sống
động cho sự tồn tại và phát triển của lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ tại vùng
đất Cố đô Hoa Lư lịch sử.
Ngày 27/02/2025, tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Hành
cung Vũ Lâm thời Trần – Vai trò lịch sử và định hướng bảo tồn, phát huy giá trị”.
Tham dự Hội thảo, có các đồng chí: PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương
Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Viện nghiên cứu; các chuyên gia, các nhà khoa học trong
lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn và phát triển tại Việt Nam và các tỉnh,
thành phố có liên quan đến lịch sử thời Trần và thiền phái Trúc Lâm.
Cùng dự có
các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh, đại diện Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố,
UBND một số xã trong vùng Di sản; Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Ninh Bình, Hội Di sản Văn hoá tỉnh Ninh Bình;
Hiệp hội Du lịch Ninh Bình; Lãnh đạo một
số Doanh nghiệp kinh doanh Du lịch trong khu Di sản cùng
các cơ quan thông tấn, báo chí đến ghi hình và đưa tin.
Phát biểu khai mạc và chào mừng tại Hội thảo, đồng chí Trần Song Tùng, Ủy
viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: Hành cung Vũ Lâm không chỉ là minh chứng cho sự tài tình trong chiến
lược quân sự của nhà Trần, mà còn thể hiện tầm nhìn sâu rộng của triều Trần
trong việc gắn kết giữa chính trị, quân sự và văn hóa, tôn giáo. Ngày nay,
không gian văn hoá Hành cung Vũ Lâm nằm trong Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế
giới Quần thể danh thắng Tràng An trở thành điểm đến quan trọng trong hành
trình tìm hiểu lịch sử dân tộc. Việc nghiên cứu, nhận diện làm rõ thêm các giá
trị lịch sử của Hành Cung Vũ Lâm kết hợp với bảo tồn, trùng tu các di tích của
Hành cung Vũ Lâm gắn với phát triển hạ tầng du lịch xanh, thân thiện với môi
trường sẽ góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước, đồng thời tạo động lực
phát triển kinh tế địa phương.
Đồng chí Trần Song Tùng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội thảo.
Trình bày báo cáo đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Tiến
Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nêu rõ:
Hành cung Vũ Lâm nằm trong một khu vực đặc biệt thuộc
vùng núi Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Hoa Lư là kinh đô của nhà Đinh - Tiền Lê
(968-1009) mở đầu của nhà nước độc lập tự chủ sau 1.000 năm Bắc thuộc. Dưới triều
Trần, nơi đây từng là một trung tâm quân sự và chính trị quan trọng, gắn liền với
nhiều sự kiện lịch sử lớn của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông. Đồng
thời còn là nơi vua Trần Thái Tông tu hành, Trần Nhân Tông xuất gia và sáng lập
thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tạo nền móng cho Phật giáo Việt Nam thời Trần.
Những sự kiện lịch sử và hoạt động Phật giáo
diễn ra tại Hành cung Vũ Lâm thời Trần cũng như sau đó đã để lại kho tàng di sản
văn hóa quý giá. 21 bài viết tham gia thảo luận
tại Hội thảo tập trung nhận diện giá trị kho tàng di sản văn hóa này, trên cơ sở đó đặt ra phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị. Các bài viết xoay quanh ba trục vấn đề lớn: vấn đề bảo tồn những giá trị
lịch sử, văn hóa, tôn giáo, cảnh quan thiên nhiên đối với khu vực hành cung Vũ
Lâm, đặt trong tổng thể không gian Hoa Lư – Tràng An hiện nay, đảm bảo tính kết
nối; phát huy những giá trị, lợi ích tiềm năng của khu vực hành cung Vũ Lâm
trong khai thác, phát triển kinh tế du lịch của địa phương Ninh Bình; khai
thác, phát huy các giá trị văn hóa, di sản của hành cung Vũ Lâm và khu vực lân
cận, đảm bảo phát triển bền vững.
Hội thảo tập trung thảo luận hai nội dung chính: Tại phiên họp thứ nhất,
Hội thảo đã tập trung thảo luận, làm rõ quá trình hình thành, diện mạo và vai
trò của Hành cung Vũ Lâm trong dòng chảy lịch sử Việt Nam.
Tại phiên họp thứ hai, các ý kiến tham luận đưa ra các định hướng về bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích thời Trần, cũng như
xây dựng những chiến lược, giải pháp để quản lý và phát triển bền vững các giá
trị Quần thể danh thắng Tràng An, góp phần trong định hướng Quy hoạch bảo tồn nhằm nâng cao hiệu quả trong
công tác quản lý, bảo
tồn Di
sản.

Các tham luận đã đem lại những bước tiến lớn về nhận thức đối với diện mạo,
vai trò lịch sử của hành cung Vũ Lâm, các giá trị và tiềm năng khai thác, phát
triển bền vững hiện nay của vùng đất lịch sử, di sản này. Do đó, Hội thảo đã thảo
luận và đưa ra các giải pháp trong việc bảo
tồn và phát huy giá trị của các di tích thời Trần, cũng như xây dựng những chiến
lược, giải pháp để quản lý và phát triển bền vững các giá trị Quần thể danh thắng
Tràng An, góp phần trong định hướng Quy hoạch bảo tồn nhằm nâng cao hiệu quả trong
công tác quản lý, bảo
tồn di sản, tăng cường nhận thức và trách nhiệm cộng đồng, đồng thời giúp định
hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thu hút đầu tư, tạo động lực quan
trọng phát triển kinh tế địa phương.
Hội thảo “Hành cung Vũ Lâm thời Trần – Vai trò lịch sử
và định hướng bảo tồn, phát huy giá trị” được
tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hoá và thiên
nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, nâng cao hiệu quả trong quản lý, bảo
tồn, phát huy các giá trị của Di sản; Đây là sự kiện quan trọng nhằm khẳng định
tầm quan trọng của Hành cung Vũ Lâm thời Trần, thảo luận về các giải pháp gắn bảo
tồn các giá trị của Hành cung Vũ Lâm gắn với thúc đẩy công nghiệp văn hóa, phát
triển kinh tế di sản, trong đó lấy Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần
thể danh thắng Tràng An làm trung tâm, tạo động lực cho mục tiêu xây dựng Ninh
Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, tiếp tục khẳng
định vị thế của Ninh Bình trên bản đồ du lịch và văn hóa trong nước và quốc tế.
Thu Hiền - Phòng NVNC