Ninh Bình nằm ở vùng cực
Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế, văn hóa
giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng
núi rừng Tây Bắc của Tổ quốc. Là một vùng đất cổ, được thiên nhiên ưu đãi ban tặng
một sinh cảnh tuyệt sắc, sơn thanh, thuỷ tú, với nhiều di tích về lịch sử nhân
loại, lịch sử đấu tranh giành độc lập, thống nhất dân tộc. Chiều sâu lịch sử của
miền đất Cố đô gắn với quá trình cư ngụ của con người qua hàng vạn năm, cùng với
công cuộc dựng nước, mở cõi, giữ nền độc lập, thống nhất non sông qua các giai
đoạn lịch sử đã khẳng định Ninh
Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt.
Nơi đây còn bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Mỗi tấc đất, dòng sông, ngọn núi nơi đây
đều ghi đậm dấu ấn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, gắn liền với tên
tuổi của các bậc tiên đế, anh hùng dân tộc, các bậc hiền nhân.
Vùng đất này đời Tần (255-207
TCN) thuộc Tượng quận. Trong giai đoạn Bắc thuộc lần thứ 2 (207 TCN – 542 SCN)
dưới đời nhà Hán (207 TCN – 226 SCN) thuộc quận Giao chỉ, đời Ngô (226-280) và
đời Tấn (280-420) thuộc Giao Châu, đến cuối đời Lương (502-542) là châu Trường
Yên thuộc Giao Châu. Khi Lý Nam Đế đánh đuổi quân Lương lập nên nhà Tiền Lý
(542-602) vùng đất này thuộc châu Trường Yên, nước Vạn Xuân. Trong giai đoạn Bắc
thuộc lần thứ 3 (603-905) dưới đời nhà Tuỳ và nhà Đường, đất này vẫn là châu
Trường Yên, Giao Châu.
Thế kỷ X, sau khi Đinh Bộ Lĩnh thu phục và đnáh dẹp 12 sứ quân thống nhất
đất nước lập nên triều Đinh (968-980) đóng đô ở Hoa Lư, vùng đất Ninh Bình thời
kỳ này gọi là Châu Đại Hoàng của nước Đại Cồ Việt. Thời Tiền Lê (981-1009) gọi
là châu Trường Yên. Đời nhà Lý (1010-1225) gọi là phủ Trường Yên, sau gọi là
châu Đại Hoàng nước Đại Việt. Đầu đời Trần gọi là lộ sau đổi thành Trấn Trường
Yên. Năm Quang Thái thứ 10 (1398) dưới thời Trần Thuận Tông đổi thành trấn
Thiên Quan.

Đến triều hậu Lê theo như đời Trần, dưới thời vua Lê Thái Tông
(1433-1442) chia làm 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan thuộc về trấn Thanh Hoa
(Thanh Hoá ngày nay) gồm 2 phủ, 06 huyện: Phủ Trường Yên gồm huyện Gia Viễn,
Yên Khang và Yên Mô; phủ Thiên Quan gồm huyện Phụng Hoá, Ninh Hoá và Lạc Thổ. Đời
vua Hồng Đức (1470-1498), thời vua Lê Thánh Tông cho nhập 2 phủ thành Sơn Nam
thừa tuyên. Đời nhà Mạc (1527-1592) gọi 2 phủ này là Thanh Hoa ngoại trấn ngăn
cách với Thanh Hoa nội trấn bằng dãy núi Tam Điệp do Thời Lê Trung Hưng, đóng
đô ở Thanh Hoá, từ phủ Trường Yên trở ra do nhà Mạc cai quản, từ Trường Yên trở
vào do nhà Lê cai quản (từ năm 1533) .
Năm 1592, sau khi nhà Mạc bị diệt, nhà Lê đem 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan
nhập lại với tên gọi Thanh Hoa ngoại trấn và dưới thời Tây Sơn vùng đất Thanh
Hoa ngoại trấn này thuộc Bắc thành.
Dưới thời Nguyễn đổi lại như cũ Thanh Hoa ngoại trấn gồm 2 phủ Trường
Yên và Thiên Quan với 6 huyện là Yên Mô, Yên Khang, Gia Viễn, Yên Hoá, Phụng
Hoá và Lạc Thổ. Năm Gia Long thứ 5 (1806) đổi Thanh Hoa ngoại trấn gọi
là đạo Thanh Bình vẫn thuộc trấn Thanh Hoa. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) đổi tên
phủ Trường Yên thành phủ Yên Khánh. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi tên đạo
Thanh Bình làm đạo Ninh Bình. Địa danh Ninh Bình có từ đó, nhưng vẫn là một Đạo
thuộc trấn Thanh Hoa. Đến năm Minh Mạng thứ 10 (1829) mới chính thức đổi làm trấn
Ninh Bình, đặt các quan cai trị là Trấn thủ, Hiệp trấn và Tham hiệp như các Trấn
khác nằm trong Bắc thành. Cùng trong năm 1829 Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ
khai khẩn đất hoang, quai đê lấn biển thành lập thêm huyện Kim Sơn.
Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) đổi trấn Ninh Bình thành tỉnh
Ninh Bình và bỏ tổng trấn Bắc thành theo chương trình cải cách hành chính của
vua Minh Mạng. Tỉnh Ninh Bình dưới triều
Nguyễn có 2 phủ gồm 7 huyện: Phủ Yên Khánh gồm 4 huyện Yên Khánh, Yên Mô, Gia
Viễn và Kim Sơn. Phủ Thiên Quan gồm 3 huyện Phụng Hoá, Yên Hoá và Yên Lạc. Thời thuộc
Pháp có một số thay đổi như cắt huyện Yên Lạc nhập vào Hoà Bình, đổi tên huyện
Phụng Hoá thành huyện Nho Quan, thành lập huyện Gia Khánh gồm 1 phần huyện Gia
Viễn và 1 phần huyện Yên Khánh.
Trước Cách mạng tháng 8 (1945), một số tỉnh thành mang
tên các danh nhân hay địa danh lịch sử thì Ninh Bình mang tên là tỉnh Hoa Lư
trong một thời gian ngắn.
Sau ngày thống nhất đất
nước, năm 1976 Ninh Bình hợp với tỉnh Nam Hà (gồm Nam Định và Hà Nam) thành
tỉnh Hà Nam Ninh. Tháng 12 năm 1991, Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 10 quyết
định tái lập tỉnh Ninh Bình trên phạm vi địa giới như trước khi hợp nhất.
Trong suốt hành trình gần hai thế kỷ qua, Ninh Bình ít
nhất đã có trên 20 lần thay đổi về đơn vị hành chính, địa giới và tên gọi khác
nhau, song về cơ bản địa giới và danh xưng tên gọi vẫn được giữ nguyên như hiện
nay (trừ 16 năm hợp nhất trong tỉnh Hà Nam Ninh, nhưng thị xã vẫn mang tên Ninh
Bình). Với truyền thống lao động cần cù sáng tạo, đoàn kết, đùm bọc giúp đỡ
nhau trong khó khăn, gian khổ, chống đỡ, khắc phục hậu quả thiên tai, dũng cảm,
kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Quá trình lịch sử đấu tranh
xây dựng và phát triển quê hương của nhân dân Ninh Bình đã sáng tạo một không
gian văn hóa đặc sắc, năng động
Với tinh thần đổi mới sáng tạo, tỉnh Ninh Bình đã tích
cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” gắn với đẩy mạnh
chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đã trở
thành tỉnh tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương, thu nhập bình
quân đầu người đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố. Quyết tâm xây dựng tỉnh Ninh
Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản
thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo là quy luật tất yếu nhằm mang lại cuộc sống tốt
đẹp hơn cho nhân dân; không ngừng nâng cao vị thế, thương hiệu địa phương, khẳng
định bản sắc của vùng đất Hoa Lư lịch sử.
Tổng hợp tin bài: Nguyễn Vân