Quần thể di sản thế giới Tràng An đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và UNESCO công nhận là di sản thế giới kép ở Việt Nam từ năm 2014. Danh thắng này là nơi bảo tồn và chứa đựng nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi, các di chỉ khảo cổ học và di tích lịch sử văn hóa. Liên khu danh thắng Tam Cốc - Bích Động- Tràng An - cố đô Hoa Lư - rừng đặc dụng Hoa Lư hiện được quy hoạch chung vào Quần thể danh thắng Tràng An có những giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử văn hóa và kiến tạo địa chất.

Di sản Tràng An là một trong số ít các địa điểm có giá trị ở Ðông  Nam Á giữ được các đặc điểm ban đầu mà không bị ảnh hưởng lớn bởi con người và các tác nhân khác. Khối đá vôi Tràng An thể hiện một cảnh quan karst nhiệt đới, gió mùa ẩm trong những giai đoạn tiến hóa phát triển địa chất cuối cùng, có ý nghĩa toàn cầu. Tràng An gồm một loạt các địa hình karst điển hình, gồm nhiều loại đồi tháp ngoạn mục bao quanh bởi hàng loạt các thung lũng và hố sụt kín có các đầm lầy rộng liên kết với nhau bởi một hệ thống sông suối ngầm. 

Hình thành do kết quả tương tác của một số cấu trúc chính trên trái đất, Tràng An đặc sắc bởi nơi đây đã bị biển xâm lấn, biến cải nhiều lần và hiện nay nâng cao và trở thành đất liền. Sự phát triển địa hình địa chất trong một giai đoạn lâu dài đã tạo ra những cảnh quan đẹp. Quần thể hang động được phát hiện nơi đây gồm gần 100 hang khô và hang nước. Hệ thống hang động xuyên thủy nối liền với nhiều thung ngập nước tạo nên sự tuyệt diệu của Tràng An khó nơi nào sánh cùng. Các khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, bao quanh núi đá, trải dải qua các thung lớn với vẻ hoang sơ là nền tảng tạo nên hệ sinh thái tái sinh trên núi đá vôi với tính đa dạng sinh học rất cao, trong đó có nhiều loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm.

Theo kết quả nghiên cứu, danh mục thực vật ở khu vực Tràng An - Hoa Lư rất đa dạng với: 1 chi, 1 loài, 1 họ ngành Tháp bút; 17 họ, 25 chi, 36 loài Dương xỉ; 2 chi, 2 họ, 4 loài Thông; 114 họ, 356 chi, 536 loài ngành Ngọc lan; 26 họ, 87 chi, 117 loài Lớp hành…ngoài ra còn các họ Hòa thảo, cúc, đậu, dâu tằm, cà phê…với dạng sống đa dạng như nhóm cây thảo, nhóm cây bụi, nhóm cây gỗ, nhóm cây dây leo, nhóm cây gỗ lớn, nhóm cây dây leo thảo…Trong đó có thực vật thủy sinh chiếm 7,28%, phụ sinh chiếm 2,43%...cho thấy sự phong phú về thực vật của Khu vực Tràng An – Hoa Lư mà trong đó ngành Ngọc Lan giữ vai trò quan trọng nhất trong hệ thực vật. Không chỉ phong phú mà hệ thực vật trên địa bàn Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là có giá trị lớn về mặt khoa học vì qua nghiên cứu bước đầu khu vực Tràng An có 10 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam, cần được bảo vệ như: Nghiến, lát hoa, bồ an Bắc bộ, sắng, vương tùng, bò cạp núi, bách bộ đá…có 7 loài lần đầu tiên ghi nhận cho hệ thực vật Việt nam như: Sữa hoa vàng, tầm cốt phong, thị đất, vệ mâu lá nhọn, hoa tán…

Phụ thuộc từ yếu tố địa lý mà thực vật bậc cao của Quần thể danh thắng Tràng An đa dạng từ các yếu tố đặc hữu, trong đó tiêu biểu là các loại mang yếu tố địa phương chỉ có tại Bắc bộ mà tiêu biểu là vùng đất Ninh Bình như họ Acanthaceae, Annonaceae, Verbenaceae…sự đa dạng sinh học còn thể hiện qua giá trị của các loài, các họ như giá trị về tài nguyên gỗ, giá trị về dược liệu, giá trị về cây cảnh, giá trị về thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…

Quần thể Danh thắng Tràng An – “kho báu” về đa dạng sinh học 2

Nước sông ở Tràng An trong xanh quanh năm, trừ thời điểm sau mưa to, lũ lớn. Ở nhiều đoạn, có thể nhìn thấu hệ thực vật dưới lòng sông, đẹp nhất là những đám rong rêu uốn lượn theo dòng nước. Đây là môi trường lý tưởng cho động thực vật thủy sinh tạo nên sự đa dạng về thực vật, động vật cũng vô cùng phong phú, tiêu biểu. Thông kê chưa đầy đủ, ở khu vực Tràng An với hơn 30 loài động vật nổi, hơn 40 loài động vật đáy. Quần thể danh thắng Tràng An đa dạng với nhiều loại hình. Động vật có xương sống như: cá, bò sát, ếch nhái, chim, thú… Động vật không có xương sống vô cùng đa dạng như ngành Chân khớp, ngành Giun đốt, ngành Thân mềm… Nhiều động vật quý hiếm cần được bảo vệ như: rùa cổ sọc, voọc quần đùi trắng…  Loài nằm trong trong sách đỏ Việt Nam, như rắn có mào, Phượng Hoàng..

Quần thể Danh thắng Tràng An – “kho báu” về đa dạng sinh học 3

Với vị trí địa lý đặc biệt, là nơi giao thoa của nhiều luồng động thực vật nên Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An là nơi hội tụ của các loài và hệ sinh thái tạo nên sự đa dạng sinh học cao mang tính tiêu biểu và đặc thù cho hệ sinh thái núi đá vôi Việt Nam. Xác định được tầm quan trọng và trọng trách to lớn đó, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã và đang bảo tồn và phát huy bền vững, hiệu quả các giá trị của Di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân địa phương. Các cấp, ngành nơi đây đã và đang nỗ lực đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn của một khu Di sản thế giới với mục tiêu xây dựng Ninh Bình là trung tâm “du lịch xanh” của vùng và cả nước khi mà biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nhiệt độ tăng, nước biển dâng, thiên tai bão lũ, đô thị hóa... 

Khi biến đổi khí hậu và những hệ lụy từ ô nhiễm môi trường đã và đang hàng ngày, hàng giờ tác động đến sức khỏe toàn nhân loại. Hơn lúc nào hết, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng cấp thiết của mỗi người, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia và trở thành nhiệm vụ chung của toàn cầu. 

Là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa riêng, độc đáo, được hòa quyện trong cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hũng vĩ và nên thơ của núi non, sông hồ mà tiêu biểu là hệ thống các hang động xuyên thủy lung linh, huyền ảo được xem là “Kinh đô đá”,  lấy núi làm thành, sông làm đường, hang động làm cung điện”. Tài nguyên thiên nhiên và lịch sử văn hóa phong phú, đa dạng đó đã góp phần quan trọng để bảo vệ môi trường, phát triển du lịch từ lâu đã nổi tiếng với du khách trong nước và quốc tế.

Nguồn: Báo Ninh Bình số 6164; Tin bài: Nguyễn Thị Vân