Phát triển “du lịch xanh” gắn với bảo vệ môi trường sinh thái
Ninh Bình được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, độc đáo và sở hữu di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, nguồn tài sản vô giá để phát triển du lịch. Do đó, để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới cần gắn khai thác với bảo tồn tính đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị văn hoá.
Hiểu được điều này, tỉnh Ninh Bình đã ban hành các văn bản cụ thể như: Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; Quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản; các văn bản về việc tăng cường quản lý, bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, các sở, ngành, chính quyền các địa phương trong khu di sản và Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An thường xuyên tuần tra, giám sát, kịp thời phát hiện xử lý và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo tồn di sản.
Vì thế, cảnh quan môi trường tại các khu, điểm du lịch luôn được đảm bảo, các yếu tố gây ô nhiễm môi trường từ các hoạt động du lịch và đời sống dân sinh như nước thải, rác thải đều được xử lý triệt để; hệ thống các hang động, rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt; các hành động săn bắt động vật hoang dã hay khai thác đá được chấm dứt hoàn toàn, từ đó hệ sinh thái tự nhiên không bị phá huỷ mà ngày càng phát triển, góp phần quan trọng xây dựng hình ảnh môi trường tự nhiên luôn đa dạng, tràn đầy sức sống.
Lấy cộng đồng làm trung tâm bảo vệ giá trị thiên nhiên và văn hoá
“Du lịch xanh” dựa vào sự giàu có của tự nhiên, văn hoá nhưng đồng thời cần có sự chung tay, đóng góp của cộng đồng và du khách để bảo vệ và phát triền tài nguyên du lịch tại địa phương.
Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng và lợi ích mà các giá trị thiên nhiên và văn hoá mang lại, các sở, ngành, chính quyền các địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị, các hội thảo, lớp tập huấn để phổ biến các kiến thức pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật trong vùng di sản đến người dân địa phương để họ hiểu đúng các chính sách đã ban hành, hiểu rõ về vai trò và tầm quan trọng của di sản và cùng tham gia quản lý, bảo vệ di sản trước những tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp đến di sản. Đồng thời, tại các khu, điểm du lịch, tuyên truyền bằng hình thức trực quan như: pa-nô, áp phích, khẩu hiệu… để du khách đến tham quan có thể chung tay bảo vệ môi trường, cảnh quan, bảo vệ di sản.
Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ cho công tác quản lý, bảo tồn di sản. Từ đó nâng cao năng lực quản lý cho các cán bộ chuyên môn phụ trách ở các cấp. Tăng cường trao đổi, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế về nghiên cứu những giá trị nổi bật toàn cầu về văn hoá, địa chất địa mạo, đa dạng sinh học để phục vụ tốt công tác bảo tồn di sản.
“Du lịch xanh” trong bối cảnh thích ứng với đại dịch
“Du lịch xanh” không chỉ gắn với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, bảo tồn các giá trị di sản mà còn bảo đảm các yếu tố an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19.
Sau 4 đợt dịch bùng phát, ngành du lịch tạm thời “đứng yên tại chỗ”. Do đó, muốn phục hồi và phát triển trong tình hình mới, ngành du lịch cần tìm cách thích ứng với đại dịch. Việc phát triển “du lịch xanh” sẽ tạo nên một môi trường du lịch văn minh, thân thiện và an toàn. Điều này rất cần thiết để ngành Du lịch phát triển bền vững trong tương lai. Một điểm du lịch “xanh” cần đáp ứng các tiêu chí “xanh” như: điểm đến xanh, thẻ thông hành xanh (tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng chống Covid), doanh nghiệp xanh, dịch vụ xanh. Cụ thể:
Tại các khu, điểm du lịch luôn được đảm bảo về môi trường, cảnh quan. Quy trình xử lý rác thải luôn được chú trọng và đạt chuẩn. Định kỳ đánh giá tác động môi trường tại các khu, điểm. Nghiên cứu các giải pháp để phù hợp với khả năng chịu tải của tài nguyên và môi trường, giảm thiểu tối đa những tác hại từ các hoạt động du lịch đến di sản thiên nhiên và văn hoá tại địa phương.
Đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng vắc xin cho toàn dân tại địa phương, thực hiện tiêm vắc xin đầy đủ cho các cán bộ, những người dân, người lao động tham gia trực tiếp làm du lịch để du khách yên tâm khi Ninh Bình là “điểm đến xanh” an toàn.
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai các dự án nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, phối kết hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Các công ty, doanh nghiệp, lữ hành, cơ sở lưu trú cung cấp dịch vụ du lịch luôn chuẩn bị những phương án xử lý sẵn sàng cho những tình huống có thể xảy ra. Khi đưa khách tới các khu, điểm du lịch, cần tính đến độ kín, mở, sức chứa của không gian để bố trí phục vụ số lượng khách phù hợp, đảm bảo sự giãn cách. Đồng thời nghiên cứu, mở rộng và làm phong phú thêm nhiều loại hình du lịch như du lịch di sản; du lịch sinh thái; du lịch lễ hội; du lịch làng nghề, ẩm thực để du khách có nhiều lựa chọn khi đến tham quan và trải nghiệm tại Ninh Bình.
Thế mạnh của du lịch Ninh Bình chính là hội tụ cảnh quan thiên nhiên độc đáo được kiến tạo hàng nghìn năm lịch sử với vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ. Bên cạnh những giá trị về tài nguyên thiên nhiên, Ninh Bình cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hoá, là mảnh đất cố đô linh thiêng của 3 triều đại Đinh –Tiền Lê –Lý; là nơi giao thoa, hội tụ của Phật giáo và Thiên chúa giáo, là nơi có nhiều làng nghề truyền thống và là cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như hát xẩm, hát chèo… Có thể nói, văn hoá và thiên nhiên nơi đây hoà quyện tạo thành nhiều tầng văn hoá lặng đọng từ đời này qua đời khác. Chính vì thế phát triển “du lịch xanh” dựa vào thế mạnh của thiên nhiên và văn hoá là hướng đi lâu dài để phát triển du lịch bền vững.
Tin bài: Linh Linh