Ninh Bình – vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo trong hệ thống di sản văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam và nhân loại. Tiêu biểu phải kể tới một số hiện vật như:

1. Cột  kinh Phật của Đinh Liễn 
Đây là cột kinh do Đinh Liễn – con cả của vua Đinh Tiên Hoàng – dựng ở Kinh đô Hoa Lư nhằm sám hối tội danh giết em trai là Đinh Hạng Lang.

Các cột kinh được làm bằng đá xanh, cao khoảng 140 cm, gồm có 6 bộ phận: bệ, thớt đệm, thân cột, núm đệm, đài sen và búp sen. Những bộ phận này gá lắp vào nhau theo hệ thống ngõng và mộng, đững vững được trên mặt đất mà không cần chằng buộc hay chống đỡ.  Thân cột hình bát giác (sáu cạnh), trên thân khắc kinh Phật đỉnh tôn thắng Đà-la-ni. Văn tự Hán được khắc trên cột kinh cho biết người cho chế tác cột kinh (100 tòa bảo tháp) là Nam Việt Vương Đinh Khuông Liễn và cũng cho biết cột kinh được chế tác từ năm 973 - 979.

Theo thống kê, hiện nay tổng cộng tìm được khoảng 40 cột kinh phật đã được tìm thấy ở sông Hoàng Long và lòng đất Hoa Lư, tuy nhiên không được đầy đủ các bộ phận. Hiện 17 thạch kinh được bảo quản trong kho Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, trong đó 6 thạch kinh nguyên vẹn nhất được đặt ở phòng trưng bày để du khách tham quan.

Những hiện vật cổ độc đáo trên đất Ninh Bình 2

Một số cột kinh phật của Đinh Liễn trưng bày tại Bảo tàng Ninh Bình

2. Cột kinh chùa Nhất Trụ
Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ nằm trong khuôn viên di tích quốc gia Chùa Nhất Trụ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình (Thuộc di tích quốc gia đặc biệt – Khu di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư).

Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ được tạo tác từ đá vôi, cấu tạo gồm 6 bộ phận bằng đá (lắp gá vào nhau theo phương thẳng đứng) trên mặt đất tổng chiều cao toàn cột 4,16m, nặng khoảng 4,5 tấn, gồm: Tảng vuông, đế tròn, thân bát giác, thớt bát giác, đấu bát giác và đỉnh hoa sen.

Trên tám mặt cột đều được khắc chữ Hán, ước khoảng 2.500 chữ nhưng nửa dưới thân cột không còn chữ, chỉ có nửa trên là còn chữ, song cũng không đầy đủ, có chỗ bị mờ khó đọc. Trong số này, chỉ còn bốn mặt còn đọc được một số dòng, bốn mặt còn lại bị mờ hoàn toàn, tuy nhiên cũng có thể nhận thấy phần văn tự cột đá này gồm lạc khoản, kệ, kinh. 

Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ là hiện vật độc bản do vua Lê Đại Hành cho dựng trong khuôn viên chùa Nhất Trụ thuộc phạm vi Kinh đô Hoa Lư thế kỷ 10 còn nguyên tại vị trí cũ cho tới ngày nay. 

Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ có cấu tạo độc đáo, họa tiết trang trí tinh tế, tinh hoa nghệ thuật chạm khắc chữ trên đá, nghệ thuật chế tác đá của cha ông ta, cho thấy sự phát triển về điêu khắc, kỹ thuật chạm khắc đá của dân tộc Việt.

Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ có giá trị to lớn về lịch sử và văn hóa, là tư liệu vật chất minh chứng cho sự thịnh trị của đạo Phật ở Việt Nam thế kỷ 10, thế kỷ bắt đầu giành quyền tự chủ, độc lập. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư đã chép: Các vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành đã mời các nhà sư Ngô Chân Lưu, Đỗ Thuận tham gia luận bàn việc chính trị, ngoại giao trong triều đình, tiếp các sứ giả nhà Tống, cử người sang Trung Quốc thỉnh kinh và lần đầu tiên đã đưa về nước 2 bộ Cửu Kinh, Đại Tạng Kinh. Trong triều đình, lần đầu tiên có ngạch quan riêng dành cho các vị tăng sĩ và người đầu tiên được phong chức Tăng thống là Khuông Việt Ngô Chân Lưu. Sang thời Lê, vua mời nhà sư Đỗ Thuận được nhà vua dùng tiếp sứ giả, Ngô Khuông Việt thì làm thơ tặng Lý Giác, được vua tham khảo ý kiến về chính sự.

Cột kinh Phật được dựng với nội dung kinh tràng thể hiện mong muốn cầu quốc thái dân an, triều đình vững mạnh thể hiện sự tin tưởng, nhiệm màu của Phật pháp. Hiện vật là tư liệu quý báu không chỉ của Phật giáo mà của cả lịch sử dân tộc ta, hiện vật không chỉ cho chúng ta thấy đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người Việt cách đây trên một nghìn năm mà còn có giá trị với lịch sử, văn hóa Phật giáo thế giới. Bài kinh, bài kệ khắc trên cột kinh có thể tham gia giúp hiệu đính lại những văn bản của bài kinh, bài kệ hiện đang lưu hành trên thế giới. 

Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ là hiện vật độc bản, có giá trị độc đáo về loại hình, hình dáng kết cấu, kích thước, có ý nghĩa lịch sử văn hóa to lớn, là tài liệu nghiên cứu khảo cổ học quan trọng, tư liệu vật chất phản ánh một thời kỳ hào hùng của dân tộc Việt Nam. Với những giá trị độc đáo đó Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia theo quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015.

Những hiện vật cổ độc đáo trên đất Ninh Bình 3

Cột kinh Phật Chùa Nhất Trụ 

3. Long sàng trước nghi môn ngoại và trước Bái đường đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng
Long sàng trước nghi môn ngoại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là hiện vật độc bản do triều đình phong kiến Lê - Trịnh chế tác với mục đích làm đồ tế khí dâng tại đền thờ. Hiện vật có niên đại đầu thế kỷ 17.

Chiếc sập đá cổ được chế tác từ một tảng đá xanh nguyên khối, hình hộp chữ nhật, nặng khoảng 1,5 tấn (rộng 127cm, dài 187cm). Chân đế hơi choãi tạo dáng quỳ vững chãi (rộng 134cm, dài 196cm).

Giữa long sàng trang trí hình rồng cuộn mang đầy đủ nét đặc trưng của rồng thời Lê - Trịnh. Thân rồng uốn kiểu yên ngựa, đầu to, bờm lớn ngược ra phía sau, miệng há to ngậm viên ngọc châu, răng nanh sắc nhọn, sừng hai chạc, đuôi rồng vuốt về phía sau uy nghi.

Theo các nhà sử học, trong không gian thờ cúng của người Việt thường xuất hiện nhiều sập đá với bề mặt trơn, phẳng, duy nhất cặp sập đá trước nghi môn ngoại và trước bái đường đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng trang trí hoa văn rồng cuộn trên bề mặt, thể hiện sự uy quyền của bậc đế vương. Những chi tiết điêu khắc trên long sàng được nhân cách hóa lạ lẫm. Cả bốn chi của rồng thay vì tạo hình chân móng vuốt chim ưng như truyền thống thì các nghệ nhân lại tạc hình cánh tay người nhỏ nhắn, thon dài vẻ nữ tính. Hai bàn tay ở vị trí chi trước nắm chặt sừng và bờm rồng; ở chi sau, một cánh tay thon mềm vít râu rồng, tay còn lại xòe ngón đạp chơi vơi trên không trung. Thân rồng cũng ở tư thế đang vặn mình, ngửa bụng lên trời.

Bốn chân của long sàng được tạo tác với hình dạng quỷ dạ xoa dữ tợn. Sự hiện diện của những ác quỷ trên ngai bệ thể hiện sự thần bí và mang ý nghĩa nhắc nhở về địa vị, quyền lực trong chốn linh thiêng, thờ tự.

Long sàng trước bái đường

Chiếc long sàng thứ hai ở đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tuổi đời trên 300 năm,  được đặt ở vị trí trang trọng trên sân chầu của ngôi đền cổ, sát thềm tòa bái đường. Long sàng này cũng được tạc dựng từ đá nguyên khối hình hộp chữ nhật, nặng khoảng 2 tấn (dày 18cm, dài 188cm, rộng 138cm). 

Chính giữa bề mặt long sàng được chạm khắc hình rồng tượng trưng cho quyền lực tối cao của nhà vua. Rồng có dáng khoanh tròn trên mặt sập, đầu hướng về phía đông, nhìn lên đỉnh núi Mã Yên. Điểm nhấn đặc biệt ở chi tiết chạm khắc rồng là ba trong bốn chi được các nghệ nhân điêu khắc nhân hóa mang hình dáng cánh tay và bàn tay con người.

Ở chi trước, một bàn tay vít sừng rồng, một bàn tay nắm chặt bờm rồng. Ở hai chi sau, một chi vẫn giữ kiểu móng vuốt chim ưng truyền thống, còn một chi xòe ra như bàn tay sáu ngón đang nắm giữ thân rồng. Mình rồng vặn xoắn, bụng ngửa lên trời, cổ không rõ ràng mà bị râu và bờm che khuất. Được tạo thế khoanh mình kết hợp với những họa tiết khác thường, nhưng hình ảnh rồng cuộn trên mặt long sàng vẫn thể hiện được sự uy nghi, hùng dũng và mở ra nhiều liên tưởng nghệ thuật độc đáo.

Xung quanh mặt long sàng được chạm khắc diềm trang trí với những hoa văn tỉa tót cầu kỳ, không theo quy tắc đối xứng. Đường diềm phía trước là hình lưỡng long chầu nhật với đao mác vần vũ uy phong; diềm phía sau lại được trang trí những con vật dân dã, gần gũi với người nông dân như tôm cá, chuột, trâu...

Ở đoạn giữa đường diềm là hai con tôm đang đối đầu nhau, càng gọng giơ lên mạnh mẽ, được chạm khắc tinh xảo đến từng sợi râu. Phía bên trái là hình một con chim đang rỉa cánh, tiếp đến là chồn và chuột. Con chồn đi trước cổ rụt, đầu ngẩng cao hướng về phía con chim. Con chuột đi sau đầu vươn dài, cúi thấp sát đất. Phía bên phải là hình ảnh hai con cá mình đầy đặn, dáng khoẻ mạnh, con phía trước thân thon dài, đầu vươn cao, đang vẫy đuôi, miệng đớp tôm…

Các nhà nghiên cứu đánh giá, sự xuất hiện của những con vật bình thường trên sập rồng - đồ tế khí trang trọng ở nơi tôn nghiêm, biểu trưng cho vương quyền tối thượng là một sự hy hữu, độc nhất vô nhị trong nghệ thuật tạo hình của người Việt xưa nay. Điều này cũng cho thấy quan niệm “bình dân hóa” về sự gắn kết không thể tách rời giữa các thành tố trong vũ trụ như trời và đất; nhà vua và muôn dân, giữa những điều cao quý và bình dị.

Với những giá trị độc bản và tiêu biểu đó Long sàng trước nghi môn ngoại và trước Bái đường đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2089/QĐ-TTg ngày 25/12/2017.

Những hiện vật cổ độc đáo trên đất Ninh Bình 4

Những hiện vật cổ độc đáo trên đất Ninh Bình 5

Long sàng tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng

4. Bộ Phủ Việt đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và bộ Phủ Việt đền thờ Vua Lê Đại Hành
Bộ Phủ Việt đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và bộ Phủ Việt đền thờ Vua Lê Đại Hành hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Với Chất liệu: Gỗ, sơn son thếp vàng, Niên đại: Thế kỷ XVII. Mỗi Phủ Việt nặng 45kg, tổng cộng 90kg. Phủ Việt bên trái dài 300cm, dày 0,7cm, Phủ Việt bên phải dài 299cm, dày 07cm. Phủ Việt được chế tạo dựa trên hình ảnh của lưỡi rìu chiến kết hợp với đinh ba, là hai trong số các binh khí là đồ chấp kích/lỗ bộ trong bộ đồ tế khí tại các di tích đền, đình, miếu, đặc biệt được chú trọng tại các đền thờ các vị anh hùng dân tộc, trở thành vật thiêng trong không gian thờ cúng của người Việt. Bộ Phủ Việt tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng  và vua Lê Đại Hành được chế tạo cầu kỳ, tinh xảo và kỹ lưỡng với sự cách điệu hóa cao, khác xa với Phủ Việt là đồ tế khí thông thường. Trên đỉnh là hình ảnh 3 ngọn mũi nhọn, phảng phất hình ảnh của cây đinh ba trong bộ lỗ bộ/chấp kích, tuy nhiên, sự tạo dáng với những đường cong uyển chuyển, điểm xuyết trên đó là vân mây hình đao mác xà đuôi của những con rồng giáng, tạo cho bộ ba mũi nhọn này hao hao như ngọn tam sơn hay bài vị. Phần giữa thân của Phủ Việt được trổ thủng hình ảnh rồng mẹ và rồng con xoắn xuýt lấy nhau, tạo nên một ổ rồng, không quá khuôn cứng trong một hình mẫu có sẵn như các ổ rồng ở thời Minh - Thanh, Trung Hoa. Tạo hình của cán phủ việt có tiết diện hình bát giác, hoàn toàn khác biệt với những phủ việt thông thường, đều có thân hình tròn.

Phủ Việt tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành là một tác phẩm hàm chứa nhiều giá trị biểu tượng, giá trị văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh sâu sắc. Ba đợt trùng tu lớn có liên quan gián tiếp với đôi Phủ Việt này là thời Lê Trung hưng - Thế kỷ XVII  là độc bản, là sự sáng tạo đem đến giá trị độc đáo về loại hình khiến Phủ Việt ở đây không hề giống với bất cứ hiện vật cùng tên gọi ở bất cứ nơi nào. Kỹ thuật điêu khắc và sơn thếp đạt tới đỉnh cao khiến trải qua hơn 400 năm, sắc màu của Phủ Việt vẫn còn giữ được như xưa,  Bộ Phủ Việt đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và bộ Phủ Việt đền thờ Vua Lê Đại Hành, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Những hiện vật cổ độc đáo trên đất Ninh Bình 6

Những hiện vật cổ độc đáo trên đất Ninh Bình 7

Bộ Phủ Việt (ảnh: Phòng Quản lý Di sản văn hóa)

5. Đầu rồng
Được tìm thấy ở  xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình. Đầu rồng chế tác từ đất, sau đó nung ở nhiệt độ khá cao, màu đỏ. Kích thước: cao 28cm, dài 12,5cm, đường kính cổ: 13,5cm. Hai mắt rồng dài, có đuôi về phía sau, hai tai cong, bờm có hai lớp nắm sát vào nhau được thể hiện cong tròn nằm về phía sau tai, miệng dài và rộng có 26 răng chia đều cho hai hàm. Cổ tròn, có nhiều vảy bao phủ. Phần miệng rồng được chế tác tựa mỏ vịt nhưng lại ngắn hơn mỏ vịt, trong miệng lại có răng, lưỡi thè ra uốn lên hàm trên, miệng ngậm một vật hình dẹt, trông rất ngộ nghĩnh. Đây là con giống trang trí trong các kiến trúc tôn giáo.

Những hiện vật cổ độc đáo trên đất Ninh Bình 8

Đầu rồng làm bằng đất nung, tìm thấy tại Cố đô Hoa Lư, lưu giữ tại Bảo tàng Ninh Bình

6. Mặt linh thú
Phát hiện tại xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. Mặt linh thú được làm từ đất sét, nung ở nhiệt độ cao. Mặt trước khắc hoạ phần mắt to, tròn, rõ nét, hai mắt có viền. Sát hai mắt là hai tai tròn, thẳng, dạng tai thú, vểnh ra hai phía. Sau hai tai có hai chiếc sừng nhỏ. Mũi dài, thẳng, lỗ mũi to, hai khoé mũi có hai chiếc râu vắt sang hai bên má. Miệng rộng, có 16 chiếc răng chia đều cho hai hàm, giữa miệng có lưỡi. Hai bên má mỗi bên có ba chiếc sừng, chĩa đều sang hai hướng. Mặt sau hình lòng máng, để nhẵn. Căn cứ vào kiểu dáng cho biết đây là đồ trang trí trong kiến trúc cổ.

Những hiện vật cổ độc đáo trên đất Ninh Bình 9

7. Gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên”
Năm 1978, qua khảo sát bước đầu tại khu vực Cố đô Hoa Lư đã phát hiện thấy chân móng bằng đá xếp vuông vắn như ô bàn cờ. Ở độ sâu 0,6m có một nền nhà bằng gạch. Trên mặt những viên gạch có ghi chữ  “Đại Việt quốc quân thành chuyên” gạch hình chữ nhật có trang trí cả hoa văn.
Gạch được làm từ đất sét, nung ở nhiệt độ cao, hình hộp chữ nhật, kích thước: 27 x 19 x 3,5cm (dài x rộng x cao). Một mặt trang trí dòng chữ Hán: “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (Gạch xây dựng quân thành của nước Đại Việt). 

Những hiện vật cổ độc đáo trên đất Ninh Bình 10

Gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” trưng bày tại Bảo tàng Ninh Bình

Vấn đề đáng chú ý là, cách in dấu trên gạch đã được áp dụng vào gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên. Dùng gạch trong kiến trúc là một tiến bộ về kỹ thuật. Để xây dựng và muốn xây dựng cho kinh đô của công trình kiên cố và tráng lệ, triều đình tất phải áp dụng kỹ thuật tiên tiến đó và chịu mọi quy định của tổ chức sản xuất nơi đó. 
Những viên gạch này còn được tìm thấy ở khu vực cách Thành Ngoại năm cây số về phía đông của động Thiên Tôn.

8. Gạch “Giang Tây quân”
Bên cạnh việc tìm thấy gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, các nhà khảo cổ còn tìm thấy những viên gạch có ghi chữ “Giang Tây quân”. Đây là những viên gạch dùng để xây tường. Gạch này đã được chứng minh là do quân sĩ Giang Tây thời Đường đóng tại nước ta sản xuất. Ngoài Hoa Lư, gạch này còn tìm thấy ở nhiều nơi, với số lượng không ít. Quy mô sản xuất rõ ràng rất lớn. Tới thời Đinh, quân Giang Tây không còn nữa, gạch Giang Tây quân có thể là sản phẩm được sử dụng lại, nhưng cũng có thể hiểu rằng gạch mới được sản xuất tại những cơ sở cổ.

Những hiện vật cổ độc đáo trên đất Ninh Bình 11

 Gạch “Giang Tây quân” trưng bày ở Bảo tàng Ninh Bình

9. Gạch Hoa Sen
Tại khu vực đền vua Lê Đại Hành, Các nhà khảo cổ khi khai quật nền móng cung điện thế kỷ X đã được phát hiệncó những viên gạch lát nền có trang trí hình hoa sen tinh xảo, đặc biệt loại lớn có kích thước 0,78m x 0,48m. 
Gạch Hoa Sen được làm từ đất sét, nung ở nhiệt độ cao, hình hộp vuông, kích thước: 34 x 34 x 7,5cm (dài x rộng x cao). Một mặt trang trí bông hoa sen nở khoe các cánh hoa và đài hoa, bốn góc trang trí bướm, xung quanh rìa trang trí hoa văn hình học.
 

Những hiện vật cổ độc đáo trên đất Ninh Bình 12

Gạch Hoa sen được trưng bày tại Bảo tàng Ninh Bình

10. Gạch chim phượng
Được làm từ đất sét, nung ở nhiệt độ cao, hình hộp vuông, kích thước: 33 x 33 x 7,2cm (dài x rộng x cao). Một mặt trang trí hình đôi chim phượng đang múa trong vòng tròn, bốn góc trang trí bốn bông hoa cách điệu, xung quanh rìa trang trí hoa văn hình học. Theo các nhà khảo cổ học nhận định, những viên gạch này dùng để trang trí cho các công trình kiến trúc của cung điện Hoa Lư.

Những hiện vật cổ độc đáo trên đất Ninh Bình 13

 Gạch Chim phượng trưng bày tại Bảo tàng Ninh Bình

11. Ngói
Làm từ đất sét, nung ở nhiệt độ cao, hình lòng máng. Có hai loại một loại là ngói âm (khi lợp lên mái thì đặt ngửa) và một loại là ngói dương (khi lợp lên mái thì úp sấp). Riêng loại ngói dương dùng để lợp hàng hiên nhà thì đầu có thêm phủ diềm, mặt phủ diềm trang trí bông hoa chanh.

Những hiện vật cổ độc đáo trên đất Ninh Bình 14

 Những viên ngói được phát hiện trong khu vực di tích Cố đô Hoa Lư.

12. Tượng vịt
Làm từ đất sét, nung ở nhiệt độ cao, kích thước: 32 x 18cm (dài x cao). Tượng được chế tác đầy đủ các bộ phận như: đầu, mình, cánh, thân và đuôi. Đặc biệt, tượng mô tả vịt ở hai tư thế: đầu tiến vầ phía trước và ngoảnh lại phía sau.

Những hiện vật cổ độc đáo trên đất Ninh Bình 15

Tượng vịt trưng bày tại Bảo tàng Ninh Bình

Đây là con giống trang trí trong kiến trúc nhưng đồng thời cũng là vật liệu tham gia xây dựng kiến trúc, bởi phần bụng tượng có chốt gắn với lỗ mộng của viên ngói úp (Loại ngói dùng lợp nóc các kiến trúc cổ). Khi lợp viên ngói lên nóc kiến trúc cũng đồng thời là trang trí tượng vịt trên nóc kiến trúc và theo dạng thức con đi trước ngoảnh đầu về phía sau, con đi sau đầu hướng thẳng về phía trước tạo thành một cặp. Như vậy, khi lợp những viên ngói úp sẽ tạo thành một đàn tượng vịt bơi lội trên nóc kiến trúc. 
Tượng vịt được tìm thấy tại khu vực Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên.

13. Tiền cổ
a. Tiền “Thái Bình Hưng Bảo”
Tiền có hình tròn lỗ vuông, có gờ viền mép và viền lỗ ở cả 2 mặt. Mặt tiền 4 chữ Hán “ Thái Bình Hưng Bảo” đọc trên xuống, bên phải qua. Lưng tiền 1 chữ Hán “ Đinh” nằm ở cạnh dưới lỗ vuông. Chữ “Đinh” chính là quốc tính, họ của vua nước Đại Cồ Việt: Đinh Bộ Lĩnh. Tiền “Thái Bình Hưng Bảo” chính là biểu hiện của ý chí độc lập được đúc kết lại sau hơn 1.000 năm lệ thuộc vào phong kiến Trung Quốc.

Những hiện vật cổ độc đáo trên đất Ninh Bình 16

Những hiện vật cổ độc đáo trên đất Ninh Bình 17

Tiền Thái Bình hưng bảo (970- 980)

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân xưng hoàng đế. Khi lên làm vua, Đinh Tiên Hoàng đặt niên hiệu là Thái Bình và cho đúc tiền Thái Bình hưng bảo bằng đồng. Đây là tiền duy nhất được phát hành trong thời nhà Đinh, vì cho dù sau này có sự thay đổi ngôi vua trong họ Đinh nhưng không có sự thay đổi niên hiệu.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam mới có đồng tiền đúc đầu tiên mang niên hiệu của vị hoàng đế nước mình.
Khảo cổ học cho thấy Thái Bình hưng bảo có ba loạt khác nhau. Cả ba loạt đều có lỗ hình vuông ở giữa và có đường kính không đều nhưng bình quân khoảng 22 mm. Cả ba loạt đều có mặt trước ghi chữ Thái Bình hưng bảo bằng chữ Hán. Có một loạt thay vì chữ Thái lại là chữ Đại. Hiện chưa rõ: do lâu ngày đồng tiền đó bị hỏng nên mất một chấm, hay đó thực sự là chữ Đại nhưng được đọc là Thái. Về mặt sau, thường có chữ Đinh (họ của vua) đúc nổi; nhưng có một loạt không có chữ gì.

b. Tiền “Thiên Phúc trấn bảo”

Tiền được đúc hình tròn lỗ vuông, có gờ viền mép và viền lỗ ở cả 2 mặt. Mặt tiền 4 chữ Hán  “Thiên Phúc Trấn Bảo” đọc trên xuống, bên phải qua. Lưng tiền 1 chữ Hán “ Lê” đối lưng với chữ Thiên. Chữ “Lê” chính là quốc tính, họ của vua nước Đại Cồ Việt: Lê Hoàn.

Những hiện vật cổ độc đáo trên đất Ninh Bình 18

Theo các nhà khảo cổ, tiền Thiên Phúc được đúc từ mùa xuân năm 984. Điều này cho thấy: thứ nhất, bốn năm đầu khi lên làm vua nhà Lê vẫn dùng tiền do nhà Đinh phát hành; thứ hai, tiền đã được sử dụng nhiều hơn.

Thiên Phúc trấn bảo có ba loại đều có hình thù giống tiền của nhà Đinh. Một loại mặt trước có bốn chữ Thiên Phúc trấn bảo và mặt sau có chữ Lê (họ của vua), một loại khác cùng thời tìm được đang tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn.

Hiện vật cổ tiêu biểu từ Ninh Bình -  cái nôi di sản văn hóa sâu đậm trong dòng chảy lịch sử dân tộc còn rất nhiều những giá trị quý giá mà người dân Ninh Bình đã và đang tích cực hơn nữa để tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm phát huy truyền thống của ông cha, cùng với nhân dân cả nước giữ vững độc lập dân tộc, gắn kết hơn nữa trong phát triển du lịch, trong xu thế toàn cầu hóa, tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nghiên cứu, sưu tầm: Nguyễn Vân
Phòng Hợp tác Đối ngoại