Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình; ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện chi cục Kiểm lâm Ninh Bình, Hạt Kiểm Lâm Nho Quan, Cúc Phương; lãnh đạo Ban quản lý Vườn quốc gia Cúc Phương, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư – Vân Long, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; đại diện tổ chức FFI; Trung tâm cứu hộ linh trưởng EPRC; ông Tilo Nadler, chuyên gia linh trưởng…

 

Theo báo cáo của ông Hoàng Văn Lâm, lãnh đạo tổ chức FFI, Voọc mông trắng là loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm, hiện chỉ phân bố tự nhiên tại các khu rừng trên địa bàn các tỉnh Hà Nam, Hoà Bình, Thanh Hoá và Ninh Bình. Loài Voọc mông trắng được phát hiện từ năm 1930 trong một chuyến thám  hiểm của ông Jean Delacour, một nhà động vật học người Pháp nổi tiếng. Giới khoa học đã miêu tả loài này qua 2 mẫu da của động vật mua lại từ thợ săn bản địa ở huyện Hồi Xuân, nơi đây đã trở thành thị trấn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa. Sau 50 năm không có thông tin gì về loài linh trưởng này, đến khi các nhà khoa học lần đầu tiên quan sát được chúng ở Vườn Quốc gia Cúc Phương vào năm 1987. Đến năm 2000, các chuyên gia của Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Cúc Phương đã phát hiện được hơn 40 cá thể Voọc mông trắng ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Tính đến nay, có khoảng hơn 300 cá thể Voọc mông trắng đang sinh sống và cần được bảo tồn. Do đó, cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết để bảo tồn nghiêm ngặt loài linh trưởng quý hiếm trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Hội thảo tham vấn về công tác bảo tồn loài Voọc mông trắng cho cụm sinh cảnh Pù Luông – Ngọc Sơn – Cúc Phương – Tràng An – Vân Long 4

Ông Tilo Nadler, chuyên gia linh trưởng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tilo Nadler, chuyên gia linh trưởng đã giới thiệu tổng quan về loài Voọc mông trắng và những nỗ lực bảo vệ loài này tại Việt Nam. Từ những năm 90, phát hiện có 9 quần thể sống của loài linh trưởng này (Pù Luông, Bỉm Sơn, Yên Mô, Cúc Phương,Vân Long, Hoa Lư, Kim Bảng, Hương Sơn, Ngọc Sơn), tuy nhiên kết quả sau khi nghiên cứu về gen di truyền giữa các quần thể đã cho thấy số lượng loài linh trưởng bị giảm dần, thậm chí bị xoá sổ ở 1 số quần thể, chỉ còn lại ở khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long và Kim Bảng. Cũng tại đây, ông đã đưa ra những chiến lược dài hạn bảo tồn loài Voọc mông trắng trước nguy cơ đáng báo động. Đầu tiên, cần bảo vệ môi trường sống cho các quần thể hiện có, thiết lập quần thể thứ 3 được tồn tại lâu dài trong môi trường sống tối ưu, tạo vùng xanh kết nối giữa các quần thể lớn, thành lập Khu dự trữ sinh quyển liên tỉnh của UNESCO và tiếp tục hỗ trợ chương trình sinh sản trong nuôi nhốt như một quần thể dự phòng.

Hội thảo cũng được nghe đại diện Ban quản lý Vườn quốc gia Cúc Phương, Trung tâm cứu hộ linh trưởng EPRC, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư – Vân Long, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông trình bày tham luận về hiện trạng quần thể Voọc mông trắng; các mối đe doạ; những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý; các định hướng, chiến lược và giải pháp bảo tồn loài Voọc mông trắng tại đơn vị mình.

Hội thảo tham vấn về công tác bảo tồn loài Voọc mông trắng cho cụm sinh cảnh Pù Luông – Ngọc Sơn – Cúc Phương – Tràng An – Vân Long 5

Đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo

Thảo luận tại đây, các đại biểu thống nhất xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết và quy mô trong việc bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm Voọc mông trắng; duy trì kết nối vùng sinh cảnh Pù Luông (Thanh Hóa) - Ngọc Sơn (Hòa Bình) - Cúc Phương - Tràng An - Vân Long (Ninh Bình); đánh giá tác động của con người đến môi trường sống của loài linh trưởng này; đề ra mục tiêu, tầm nhìn bảo vệ Voọc mông trắng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Voọc mông trắng là một trong 25 loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm, được ghi trong sách đỏ Việt Nam và cũng là loài bị đe doạ ở mức “cực kỳ nguy cấp” của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Do đó, việc xây dựng kế hoạch hành động bảo tồn loài Voọc mông trắng có ý nghĩa rất lớn, là cơ sở cho nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng. Duy trì cụm sinh cảnh Pù Luông (Thanh Hóa) - Ngọc Sơn (Hòa Bình) - Cúc Phương - Tràng An - Vân Long (Ninh Bình), thiết lập thêm quần thể thứ 3 nhằm bảo tồn lâu dài loài linh trưởng quý hiếm Voọc mông trắng.

Hội thảo tham vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, trang trọng nhưng vẫn đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Tin bài: Linh Linh; Ảnh: Nguyễn Kiên