Ngày 05/12/2019, tại Khu tâm linh núi chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình), Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về "Vai trò của Uỷ ban Quốc gia UNESCO trong công tác bảo tồn di sản văn hoá và thiên nhiên vì phát triển bền vững".Tham dự hội thảo có ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ ngoại giao Văn hoá, Tổng Thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình; ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam; ông Kwangho Kim, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Hàn Quốc; bà Uyanga Sukhbaaatar, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Mông Cổ cùng hơn 100 đại biểu là cán bộ, chuyên gia, nhà quản lý cácđịa phương, các khu di sản thế giới tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng Thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khẳng định Hội thảo sẽ là diễn đàn quan trọng để các chuyên gia quốc tế, các bộ, ngành, địa phương liên quan chia sẻ nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu nhằm nâng cao vai trò của Ủy ban Quốc gia UNESCO trong công tác điều phối các hoạt động liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa và thiên nhiên vì phát triển bền vững. Hội thảo trở nên ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại Ninh Bình, nơi có Quần thể danh thắng Tràng An, di sản duy nhất của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới. Ông Mai Phan Dũng cũng bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình và Doanh nghiệp Xuân Trường đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế này.

Trong những năm vừa qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ coi trọng và thu hút sự chung tay của mọi tầng lớp nhân dân. Tại Hội nghị Bảo vệ và Phát huy giá trị Di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững (7/2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo "di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta hoặc là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Chúng ta phải quán triệt tinh thần là cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được". Các công việc về bảo tồn phát huy các giá trị di sản ngày càng quan trọng và cấp thiết nhằm đảm bảo thực hiện tốt các cam kết với UNESCO cũng như hoàn thành các mục tiêu về phát triển bền vững. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đòi hỏi nhiều nỗ lực với sự tham gia của nhiều chủ thể, trong đó không thể thiếu được Vai trò điều phối các tiểu ban, tiểu Ban chuyên môn liên quan và sự phối hợp với các địa phương của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Với vai trò là cơ quan điều phối công tác giữa UNESCO và các quốc gia, Ủy ban Quốc gia UNESCO đã tham gia vào quá trình xây dựng, đệ trình công nhận di sản của UNESCO, định hướng và truyền tải kinh nghiệm của UNESCO triển khai tại Việt Nam và đề xuất các kiến nghị liên quan đến hoạch định chính sách của quốc gia về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cũng kết nối mạng lưới giữa các khu di sản, chính quyền địa phương và thế giới để chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý và bảo tồn di sản đồng thời điều phối các hoạt động giữa các cơ quan chuyên môn của quốc gia để thúc đẩy và bảo tồn các di sản cho các thế hệ tương lai. Tuy nhiên cũng có một số vấn đề đặt ra như việc phối hợp, phân vai giữa Ban thư ký, Bộ Ngoại giao với Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch; khả năng điều phối, kết nối giữa các bộ, ngành với các địa phương có di sản.Trong bối cảnh đó, việc củng cố, nâng cao vai trò của Ủy ban Quốc gia UNESCO cần được đẩy mạnh, vì thế việc tổ chức Hội thảo quốc tế này là vô cùng cần thiết.

Trong quá trình diễn ra Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe các ý kiến, các bài tham luận của các đại biểu quốc tế; các bộ, ngành; đại diện những người làm công tác quản lý tại các khu di sản thế giới ở Việt Nam. Các bài tham luận tập trung vào các nội dung chính: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên - văn hóa và việc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững; thực trạng công tác bảo tồn di sản hiện nay của Việt Nam và các quy định của UNESCO; Vai trò của Ủy ban Quốc gia UNESCO trong bảo tồn di sản; Vai trò của các đơn vị tư nhân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Đại diện đến từ cơ quan quản lý di sản tại địa phương cùng phối hợp tổ chức Hội thảo, ông Phạm Sinh Khánh - Phó Giám đốc Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã tham gia tham luận với chủ đề "Hợp tác công tư trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản vì sự phát triển bền vững". Phần tham luận đã thu hút được sự quan tâm, lắng nghe của các đại biểu, các chuyên gia quốc tế; các đại biểu cho rằng: Quần thể danh thắng Tràng An là một ví dụ sinh động, đáng để học tập trong việc quản lý di sản dựa trên mô hình hợp tác công tư. Trong bài tham luận của mình, ông Phạm Sinh Khánh đã nêu bật những thành công mà mô hình này mang lại cho việc bảo tồn Di sản văn hóa và thiên nhiên gắn với phát triển du lịch bền vững tại Tràng An. Mô hình hợp tác công tư đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, góp phần nâng cao thương hiệu du lịch Ninh Bình, thu hút đông đảo du khách đến với Ninh Bình. Năm 2018, số lượng du khách đến với Quần thể danh thắng Tràng An đạt gần 6,2 triệu lượt, tăng gấp đôi so với năm 2014 (3,5 triệu), góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Giáo dục di sản hướng tới thế hệ trẻ cũng là một nội dung đáng chú ý được chia sẻ tại Hội thảo. Bà Nguyễn Thị Yến, đại diện đến từ Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho rằng đổi mới giáo dục về di sản văn hóa, lịch sử vừa là yêu cầu tất yếu, vừa là biện pháp để gìn giữ di sản cho hiện tại và tương lai. Trong bài tham luận của mình, bà đã dẫn chứng một số mô hình giáo dục di sản mang tính trải nghiệm hướng tới đối tượng là các em học sinh ở các lứa tuổi và cấp học khác nhau như: "Em làm nhà khảo cổ", "Em tìm hiểu di sản" mà Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện. Đã có hàng chục nghìn các em học sinh được tham gia các chương trình này; đây thực sự là một con số biết nói, cho thấy mô hình giáo dục kể trên đang đi đúng hướng và cho thấy những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc gieo mầm tình yêu di sản một cách bền vững.

Với các phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, tích cực, hội thảo đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về nâng cao vai trò của Ủy ban Quốc gia UNESCO; bên cạnh đó là kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy, cả phát huy trong phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, phát huy trong công tác chuyên môn, phát huy về bộ máy tổ chức, về kết nối giữa các Sở, ban, ngành trong một địa phương, kết nối với Trung ương.
Hội thảo cũng là dịp nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân về tầm quan trọng của các di sản văn hóa và thiên nhiên đối với phát triển bền vững; tìm ra những khó khăn, kinh nghiệm bài học và kiến thức về bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa và thiên nhiên cũng như các loại hình danh hiệu tương tự khác của UNESCO tại Việt Nam.

Sau ngày diễn ra Hội thảo, sáng 06/12, các đại biểu đã đi trải nghiệm thực tế tại Khu du lịch sinh thái Tràng An. Đây chính là cơ hội để vẻ đẹp và các giá trị độc đáo của Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình đến gần hơn với các đại biểu trong nước và quốc tế.Việc lựa chọn Ninh Bìnhlà nơi tổ chức Hội thảo quốc tế lần này đã thêm phần chứng tỏ sự gắn kết chặt chẽ của Di sản Văn hóa và thiên nhiên Thế giới Tràng An với các khu di sản Thế giới khác tại Việt Nam, cũng như sự gắn kết với các cơ quan liên quan của UNESCO./.

Tin bài: Nguyễn Loan

Phòng Hợp tác Đối Ngoại