Tham dự Hội nghị, về phía Sở Du lịch có Ông Bùi Văn Mạnh, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở, ông Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở, Lãnh đạo Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An và trưởng các phòng, đơn vị trực thuộc; Về phía Văn phòng UNESCO tại Hà Nội có bà Phạm Thị Thanh Hường – Trưởng Ban Văn hoá và các cán bộ của văn phòng cùng đại diện của Dự án Chương trình du lịch bền vững Thuỵ Sĩ (SSTP); Đại diện của Trung tâm Bảo tồn và phát triển thiên nhiên (CCD) và Đại diện Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường.
Dự án “Nâng cao chất lượng du lịch tại Di sản Thế giới Tràng An” được thực hiện nhằm mục đích nâng cao chất lượng du lịch thông qua cách tiếp cận quản lý tổng hợp và thúc đẩy các hoạt động du lịch bền vững, hướng tới bảo tồn, gìn giữ các giá trị nổi bât toàn cầu của Di sản. Mục tiêu của dự án hướng tới là: Nâng cao năng lực quản lý địa điểm, đặc biệt trong việc giám sát và quản lý du khách; Đẩy mạnh thực hành việc diễn giải về điểm đến (di sản thế giới Tràng An); Cải thiện các dịch vụ du lịch quy mô nhỏ và du lịch cộng đồng bền vững.
Mở đầu chương trình, Hội nghị được nghe đại diện Văn phòng UNESCO trình bày báo cáo các hoạt động đã và đang triển khai của dự án trong năm 2020 tới nay và các hoạt động dự kiến triển khai trong năm 2021. Trong năm 2020, có 3 hợp phần đã được triển khai, đó là: (1) Nâng cao năng lực quản lý di sản của Ban quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An (BQL Tràng An) và các đối tác địa phươn; tham gia đánh giá, tham vấn các báo cáo quản lý di sản của BQL Tràng An; Hỗ trợ BQL xây dựng dự án, tiếp cận các quỹ hỗ trợ của UNESCO; (2) Tăng cường chất lượng thuyết minh, diễn giải di sản, bao gồm: Tập huấn đào tạo giảng viên nguồn Hướng dẫn viên di sản tại Khách sạn Bái Đính; Tập huấn cho cộng đồng địa phương bao gồm các công nhân lái đò về thuyết minh di sản; Hoàn thiện Khung tài liệu thuyết minh di sản cho Tràng An; (3) Hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch bền vững và sự tham gia của cộng đồng: Phối hợp với dự án ĐTP tập huấn về Du lịch bền vững cho các doanh nghiệp du lịch Ninh Bình và Hà Nam; Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng: phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình phát động cuộc thi Kể chuyện di sản qua tranh vẽ cho học sinh cấp 1 và cấp 2 toàn tỉnh.
Về công tác truyền thông: Dự án đã xây dựng một bộ phim tài liệu giới thiệu về dự án, phát trên kênh thời sự và kênh di sản văn hoá của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC; Mời các đại diện truyền thông tham gia đưa tin các hoạt động của dự án; Chạy các thông tin định kỳ trên website của UNESCO và trang truyền thông xã hội của văn phòng.
Các hoạt động dự án tiếp tục triển khai năm 2021: Tham vấn Xây dựng Kế hoạch Quản lý Di sản (quản lý du khách) 5 năm, 2021-2025; Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao chất lượng du lịch cộng đồng của địa phương; Tập huấn truyền thông nhận thức di sản (Presstrip); Tổ chức chuỗi hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho cán bộ quản lý như VMAT, truyền thông nhận tức di sản, kiến trúc cảnh quan, các phần mềm hỗ trợ thuyết minh di sản; Tổ chức các hội thảo chia sẻ bài học kinh nghiệm trong quản lý di sản, hợp tác công tư, tác động và sáng kiến cộng đồng trong và sau đại dịch Covid-19; Nghiên cứu và tư liệu hoá các bài học kinh nghiệm và các mô hình du lịch di sản – cộng đồng.
Bên cạnh đó, dự án dự kiến các hoạt động phối hợp trong sự kiện Năm Du lịch Quốc gia 2021, Hoa Lư - Ninh Bình như: Tổ chức triển lãm ảnh di sản; tổ chức các hoạt động có sự tham gia của các tổ chức trong nước và Quốc tế.
Hội nghị được nghe Ông Trương Nam Thắng - Đại diện dự án SSTP trình bày Kế hoạch và nội dung hỗ trợ của SSTP đối với du lịch Ninh Bình. Bao gồm: Các hoạt động hỗ trợ trong năm 2021: hỗ trợ xây dựng Kế hoạch Quản lý du khách Khu di sản thế giới Tràng An; hỗ trợ xây dựng Kế hoạch Marketting du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch hành động năm 2022 (dự kiến triển khai từ nay đến hết tháng 6/2021).
Đại diện Trung tâm Trung tâm Bảo tồn và phát triển thiên nhiên (CCD) trình bày Kế hoạch khảo sát đánh giá thực trạng Du lịch cộng đồng, nhằm thực hiện các nhiệm vụ: (1) Xây dựng sổ tay hỏi đáp về hướng dẫn du lịch cho hướng dẫn viên địa phương; (2) Đánh giá nhanh/phân tích tình hình du lịch cộng đồng tại Quần thể Di sản Thế giới Tràng An để xác định được các nhu cầu hỗ trợ và đưa ra các hành động ưu tiên nhằm nâng cao chất lượng du lịch; (3) Cố vấn và hỗ trợ kỹ thuật để thành lập các nhóm du lịch cộng đồng; (4) Tổ chức tập huấn về quản lý và vận hành nhóm du lịch cộng đồng gồm: kỹ năng xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá về du lịch cộng đồng; kỹ năng xây dựng và vận hành dự án du lịch cộng đồng.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đề cập và khái quát một số khó khăn, vướng mắc hiện nay trong công tác quản lý Di sản, trong đó nổi cộm là là còn tồn tại việc xây dựng không theo quy hoạch và không tuân theo quy định về mẫu thiết kế xây dựng trong khu di sản. Để giải quyết vấn đề này, bà Phạm Thị Thanh Hường, trưởng Ban văn hoá của Văn phòng UNESCO nêu ý kiến là sẽ hỗ trợ tỉnh tổ chức nghiên cứu, xây dựng mẫu thiết kế mở, linh hoạt, phù hợp với đặc thù đất đai xây dựng, cảnh quan thiên nhiên và văn hoá trong khu di sản, có tính ứng dụng thực tiễn cao để người dân dễ dàng lựa chọn.
Hội nghị cùng thảo luận, lấy ý kiến và nhất trí về cơ bản với nội dung báo cáo, kế hoạch đã được các đại biểu trình bày và bổ sung thêm các ý kiến về chỉ định nhân sự đầu mối để phối hợp triển kế hoạch hành động trong thời gian tới. Kết luận hội nghị, Ông Bùi Văn Mạnh, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Du lịch cảm ơn và rất trân trọng tình cảm, sự tận tâm, chuyên nghiệp của các tổ chức đối với du lịch Ninh Bình trong thời gian qua cũng như những hỗ trợ trong thời gian tới. Để phát huy kết quả đã đạt được của dự án và triển khai có hiệu quả các kế hoạch trong năm 2021 rất cần tiếp tục có sự hỗ trợ, phối hợp nhịp nhàng, kịp thời và hiệu quả, vạch ra một số định hướng trong kế hoạch cụ thể giữa Sở Du lịch Ninh Bình, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Dự án SSTP, Trung tâm Bảo tồn và phát triển thiên nhiên (CCD).
Tin, bài: Bùi Lan
Phòng Hợp Tác Đối Ngoại