Sự có mặt của các thương nhân Ấn Độ khắp Đông Nam Á trong những thế kỷ đầu Công nguyên đã để lại dấu ấn sâu sắc trong văn hóa nơi đây như: một số cách chữa bệnh, truyện kể dân gian, kỹ thuật sản xuất…cũng được truyền vào cùng Phật giáo và nhân dân ta đã tiếp cận Phật giáo trong hoàn cảnh như thế. Đạo Phật nguồn Ấn Độ do Khâu Đà La và Ma-ha-kỳ-vực truyền vào đầu tiên ở Luy Lâu và dung hợp với tín ngưỡng dân gian của người Việt như các hiện tượng tự nhiên có liên quan đến nông nghiệp: thần Mây, thần Mưa, thần Sấm, thần Chớp trở thành Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện là những vị Phật có thể nói là đầu tiên tại Việt Nam mà người sinh ra truyền thống ấy là Man Nương bản địa, người làng Mẫn Xá (Thuận Thành, Bắc Ninh), bên cạnh đó còn thờ Phật Thích Ca, Bồ Tát…hay những ngôi chùa thờ tiền Phật hậu Thánh và ngày Phật Đản (tháng 4) nơi nơi là ngày hội tổ chức các nghi lễ gắn liền với nông nghiệp như cầu mưa, cầu mùa màng tốt tươi. Sự đặc biệt trong dòng chảy Phật giáo mang đậm chất bản địa ấy tồn tại từ những thế kỷ đầu Công nguyên kéo dài tới thời Đinh Lê và còn ảnh hưởng tới ngày nay.

Phật giáo Trung Quốc vào Việt Nam có thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi sau đó có thêm Thiền phái Vô Ngôn Thông. Dòng Phật giáo này thịnh hành trong thời Đinh Lê và đầu thời Lý với các Thiền sư Pháp Thuận, Sùng Phạm, Minh Không, Đạo Hạnh. 

Qua các cột kinh thế kỷ X tìm thấy tại Hoa Lư cho biết Mật giáo được thực hành trì chú phổ biến khắp nơi, thời kỳ này nước Việt có nhiều nhà sư đã sang học tại Ấn Độ, tiêu biểu như Sùng Phạm nổi tiếng về Mật giáo, phù chú đã được vua Lê Đại Hành triệu vào kinh đô Hoa Lư giảng dạy Phật pháp. Thế kỷ X còn có Thiền phái Vô Ngôn Thông chịu ảnh hưởng nhiều của Thiền Trung Quốc tuy nhiên qua hệ thống cột kinh cho ta thấy yếu tố Mật giáo vẫn là đậm nét nhất và vẫn kết hợp với văn hóa dân gian bản địa mang lại yếu tố nổi bật của Phật giáo thời Đinh Lê, hơn thế nữa Phật giáo đương thời đã theo sát và phục vụ đắc lực cho hệ thống chính trị nước nhà, trở thành hệ thống tư tưởng chính thống của xã hội, cả tầng lớp tăng sĩ đông đảo lớn mạnh là cơ sở của xã hội, triều đình và chính quyền các cấp.

Vua Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên sử dụng Phật giáo vào các công việc triều đình. Các nhà sư có nhiều đóng góp cho triều đình Đinh Lê, tiêu biểu như nhà sư Ngô Chân Lưu, giữ chức vụ tể tướng thời vua Đinh và còn là nhà ngoại giao tài giỏi. Vua Đinh Tiên Hoàng đã nhiều lần cùng Ngô Chân Lư bàn quốc sự, đặt chức Tăng Thống và lấy Ngô Chân Lưu giữ chức này, ban cho hiệu là Khuông Việt Đại sư.  Lê Đại Hành lên ngôi nhà sư Chân Lưu vẫn tham dự nhiều công việc trong triều, giao cho ông cùng Pháp Thuận hoạch định kế hoạch kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Nhà sư Pháp Thuận trong sách Thiền uyển tập anh ghi rõ: “Trong buổi đầu sáng lập nhà Lê, Pháp Thuận đã có công trù tính, quyết định kế hoạch, nhưng khi thiên hạ thái bình thì không chịu phong thưởng, vua Lê Đại Hạnh rất kính trọng không gọi tên chỉ nói Đỗ Pháp sư” và hỏi nhà sư về vận nước mà Pháp Thuận đã đáp lại bằng bài kệ còn lưu lại tới ngày nay:

“Quốc tộ như đẳng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh”
Dịch: 
Vận nước như dây cuốn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trong cung điện
Muôn xứ hết đao binh.

Có thể nói thời kỳ đầu của kỷ nguyên Đại Việt, Phật giáo đã đem hết khả năng nhập thế. Đỗ Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh là những nhà sư yêu nước, có nhiều cống hiến thậm chí còn góp phần định đoạn sự hưng khởi của một triều đại. Điều này thể hiện sự đóng góp lớn lao của Phật giáo với chính quyền dân tộc về các mặt chính trị, văn hóa, ngoại giao và cả tổ chức xã hội.

Tuy không áp đảo được tư tưởng Nho gia nhưng Phật giáo tuyên truyền sự nhân ái, bình đẳng, khổ hạnh...đã làm xáo trộn các tư tưởng gia trưởng và xã hội chuyên chế, góp phần bào mòn các nguyên tắc luân lý chính trị của Nho gia. Cho nên đến thế kỷVII- IX Phật giáo mới thịnh hành; nở rộ vào thế kỷ X và về sau. Nhà sư có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần người Việt, chùa là địa điểm tổ chức hội hè, tế lễ hàng năm của xóm làng, chùa không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của làng xã mà còn là nơi giải quyết các công việc hành chính. 

Phật giáo thời Đinh Lê trở thành tôn giáo của nhà nước nhưng chứa đựng tâm hồn dân gian. Phật giáo và nhà sư đã thể hiện được tinh thần dân tộc trong xây dựng đất nước và gìn giữ văn hóa truyền thống mà để các thế kỷ sau Phật giáo vẫn luôn nhập thế và có nhiều đóng góp quan trọng.

Tin bài: Vân Nguyễn