Tương truyền món cơm cháy Ninh Bình có từ thể kỷ 19 do một chàng thanh niên người Ninh Bình tên là Hoàng Thăng học được từ món ăn của người Hoa, sau đó mở tiệm bán và cơm cháy được lưu truyền và phát triển đến ngày nay, trở thành một đặc sản của vùng đất Cố đô.
Để có được đặc sản cơm cháy Ninh Bình thì quy trình tao ra nó phải thực hiện hết sức công phu và tỉ mỉ. Tất cả đều được làm thủ công và theo bí quyết gia truyền riêng. Trong đó cơm là quan trọng nhất. Gạo để nấu cơm phải được lựa chọn kỹ càng từ những loại gạo dẻo, có thể là gạo tám thơm, nếp cái hoa vàng. Gạo vo sạch, cho vào nồi, đổ vừa nước và nấu chín. Lúc cơm chín tới phải nhanh chóng lấy hết ra chỉ để lại phần xém dưới đáy nồi. Sau đó tiếp tục đun, vừa đun vừa xoay tròn nồi cho cơm chín đều. Ngoài ra phải dùng nồi to, dày, thông thường dùng nồi bằng gang nấu để cho cháy giòn, vàng. Khi đun phải căn cho vừa lửa. Nếu để già lửa miếng cháy sẽ quá dày, thậm chí ngả màu sậm, còn nếu non lửa sẽ mất vị giòn đặc trưng. Những miếng cháy được lấy ra khỏi nồi bẻ vừa vặn và đem phơi (hoặc sấy) cho thật khô để dễ bảo quản. Khi thưởng thức chỉ cần rán giòn lại là được.
Cơm cháy vàng rộm, giòn và thơm ngon
Đặc biệt, hương vị riêng của cơm cháy Ninh Bình còn nằm ở sự kết hợp với các loại thức ăn đi kèm thường được làm từ thịt dê, hoặc tim, cật lợn xào với một số loại rau như hành tây, nấm rơm và cà chua. Đôi khi người ta lại chọn nước chấm là tương nếp… Nước xốt ăn đi kèm cơm cháy thường có vị cay, thơm, đủ độ sánh để ngấm vào miếng cháy. Mỗi gia đình, cửa hàng ở Ninh Bình đều có cách làm và bí quyết nấu nước xốt tạo nên hương vị riêng biệt.
Cơm cháy ăn kèm với nước sốt
Bất cứ ai khi đến Ninh Bình cũng không khỏi xao xuyến bởi món ăn này. Nó không chỉ là một đặc sản, mà còn là món quà gửi gắm cả tấm lòng của người dân địa phương đến với bạn bè, du khách thập phương.