Hoa Lư, Ninh Bình - Nơi hội tụ khí thiêng sông núi, tầm vóc và vị thế của một đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố toàn cầu
Không
gian ấy được định danh là Hoa Lư, một cái tên mang dấu ấn của thời đại, một hệ
quả của thời đại Bắc thuộc và chống Bắc thuộc: một cái tên Hán – Việt nhưng mà
lại là một dấu hiệu sớm của một hiện tượng Việt hóa ngữ pháp tiếng Hán. Không
gian Hoa Lư được định tính là “động”, là thung lũng cái gạch nối địa – chính
trị - văn hóa – xã hội… giữa miền núi và miền đồng bằng. Có thể nói, đây là vị trí đắc địa hiếm có, thuận lợi cho giao thương, tổ chức lãnh thổ,
quản trị liên kết vùng, thu hút đầu tư, thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hoá,
hiện đại hóa, đô thị hoá, kết nối liên vùng và quản trị vùng dựa trên các lĩnh
vực hậu cần sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp
giải trí gắn với xây dựng đô thị di sản, đô thị sinh thái, đô thị cảnh quan văn
hóa.
Thành phố Hoa Lư là đô thị di sản thiên niên kỷ, nằm trọn trong Kinh
thành Hoa Lư xưa, nơi hội tụ khí thiêng trời đất, với thế tựa sơn, cận giang,
hướng bể, chứa đựng di sản đồ sộ mang đậm bản sắc Việt, trong đó có di sản vị thế đô thị Cố đô.
Nơi đây được Đinh Bộ Lĩnh chọn làm
Kinh đô của nước Đại Cồ Việt sau khi đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, mở xưng
hoàng đế, lập nên nhà nước quân chủ trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử
dân tộc, tái lập quốc gia dân tộc với chủ quyền đầy đủ, thống nhất giang sơn,
nâng tầm vị thế đất nước sau nghìn năm Bắc thuộc, tạo nền tảng cho định đô
Thăng Long – Hà Nội, mở ra nền văn minh Đại Việt.

Thành phố Hoa Lư sở hữu tài nguyên
di sản đồ sộ, phong phú, đặc sắc, cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, làm
nên tiềm năng khác biệt, giá trị độc đáo, lợi thế cạnh tranh trong quá trình
phát triển. Điều đó giúp thành phố Hoa Lư dựa vào tài nguyên di sản, nguồn lực
văn hóa, điều kiện cảnh quan thiên nhiên, thuận lợi cho xây dựng một đô thị di
sản cảnh quan văn hóa, đô thị sinh thái – mô hình đô thị vừa mang tính hiện
đại, vừa mang đậm bản sắc riêng có, hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa
bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục tình trạng phát triển
đô thị kiểu “bê tông hóa”, đô thị “nén” đang trở thành thách thức hiện nay. Tài
nguyên di sản, cảnh sắc thiên nhiên, nguồn lực văn hóa là tiền đề cho xây dựng
Thành phố Hoa Lư trở thành trung tâm chuyên ngành về du lịch, công nghiệp văn
hoá, công nghiệp giải trí, kinh tế di sản, tổ chức sự kiện của vùng, quốc gia
và hội nhập quốc tế. Đó cũng chính là nền tảng kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo
cho xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, khắc phục những hình thái đô thị
“nén”, “bê tông hóa” gây nhiều hệ lụy.
Vượt lên một đô thị của địa phương, của vùng, thành phố Hoa Lư đang vươn
mình khẳng định một thành phố toàn cầu.
Là đô thị di sản thiên niên kỷ sở
hữu danh hiệu UNESCO, thành phố Hoa Lư trở thành một hình mẫu tiêu biểu phát
triển xanh, hài hòa, bền vững, dựa trên tài nguyên di sản, nguồn lực văn hóa,
giá trị cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn
di sản và phát triển kinh tế xanh. Mới đây, các chuyên gia của UNESCO đã lượng
giá Quần thể danh thắng Tràng An là 213 tỷ USD. Mỗi năm, thành phố Hoa Lư đón
khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế, trong tổng số 9 triệu du khách; các tiêu
chí phát triển được đặt ra một cách ngặt nghèo theo đặc trưng đô thị di sản
thiên niên kỷ. Bản sắc địa phương, thương hiệu đô thị di sản thiên niên kỷ của
Hoa Lư có ảnh hưởng lớn trong mạng lưới đô thị di sản sở hữu danh hiệu UNESCO,
góp phần gia tăng sức mạnh mềm của đất nước trong hội nhập quốc tế. Là thành
phố toàn cầu, quy hoạch phát triển thành phố Hoa Lư theo các chuẩn mực đô thị
văn minh, hiện đại, xanh, giàu bản sắc địa phương. Đó là mô hình đô thị di sản,
đô thị cảnh quan văn hóa bảo đảm tính hài hòa giữa kiến trúc nhân tạo với môi
trường thiên nhiên, khác hẳn với các mô hình đô thị công nghiệp kiểu “bê tông
hóa”, không chấp nhận mô hình đô thị hóa thôn tính di sản, xâm hại môi trường.
Đó là một đô thị dung nạp được bản sắc địa phương, tinh hoa Cố đô Hoa Lư và
thiết kế, kiến trúc, văn hóa và lối sống đô thị di sản. Đó còn là đô thị có sự
hiện diện của các thương hiệu quốc tế nổi tiếng tham gia trên các lĩnh vực
thương mại, dịch vụ, du lịch như Marriott, Pullman, Wyndham, Big C, Outlet…
Là thành phố toàn cầu mang đậm bản sắc Việt, quy hoạch phát triển thành
phố Hoa Lư bảo đảm kết nối không gian và phát triển, xây dựng các thiết chế
biểu tượng xứng tầm vùng đất Cố đô Hoa Lư.
Mạng lưới giao thông bắt đầu từ Hoa
Lư tỏa đi các tỉnh xung quanh, với các đô thị lớn cơ bản hình thành đồng bộ,
hiện đại, cho phép liên kết vùng như đường cao tốc Bắc – Nam, Hành lang Đông –
Tây, cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đường ven biển. Đình hình các công trình văn hóa tâm linh có
quy mô đồ sộ đứng đầu đất nước thể hiện tầm vóc đô thị di sản Cố đô, nơi lắng
đọng hồn thiêng sông núi như Đàn Kính Thiên, chùa Bái Đính, các công trình tín
ngưỡng, tôn giáo. Các thiết chế văn hóa
biểu tượng của đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố toàn cầu như Quảng trường
Đinh Tiên Hoàng, Nhà hát Phạm Thị Trân, Công viên văn hóa Tràng An, Trung tâm
tổ chức sự kiện, tượng đài các danh nhân, cầu sông Vân, …cùng với đó là tiếp
tục quy hoạch, đầu tư và đang tiến hành xây dựng Bảo tàng Tổng hợp, Cung triển
lãm, Hội chợ, Trung tâm nghệ thuật đương đại, Tháp thiên niên kỷ, Công viên
thắp sáng Dục Thúy Sơn. Đây là những công trình đề đời xứng tầm đô thị Cố đô.
Tỉnh Ninh Bình đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư cho phục dựng, tái hiện Hoàng thành
Hoa Lư, nhất là các công trình thuộc quân thành như Cung điện, Lâu đài, Phủ đệ,
Trường thành… tạo nên điểm nhấn của đô thị di sản thiên niên kỷ. Hạ tầng dịch
vụ đáp ứng yêu cầu phát triển một trung tâm chuyên ngành về du lịch, công
nghiệp văn hóa, giải trí, đổi mới sáng tạo của vùng, đất nước và hội nhập quốc
tế như Trường Đại học Hoa Lư, Trường Chính trị tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh,
Trung tâm Thể thao, các Khách sạn 5 sao tiêu chuẩn quốc tế… và đang quy hoạch,
thu hút đầu tư xây dựng Phim trường, Học viện bóng đá quốc tế, các định chế tài
chính ngân hàng, trung tâm thương mại – mua sắm mang thương hiệu quốc tế.

Thành phố Hoa Lư được cộng hưởng bởi sức mạnh, khả năng bứt phá của tỉnh
Ninh Bình trong nhiều năm qua.
Từ một tỉnh nghèo của vùng đồng bằng
sông Hồng đã vươn lên trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách và có điều tiết về
trung ương, thu ngân sách năm 2022 đạt trên 24.000 tỷ đồng. Tỉnh Ninh Bình đã
xác lập trên thực tế một trung tâm của vùng và quốc gia về du lịch, công nghiệp
cơ khí ô tô, chế biến rau quả, tổ chức sự kiện, đang phấn đấu vươn lên trên các
lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo. Thành phố
Hoa Lư trở thành đô thị hạt nhân cho thành phố trực thuộc Trung ương trong
tương lai, các khu vực xung quanh trở thành địa bàn chuyển tiếp, không gian
“giải nén” cho đô thị trung tâm, thành phố di sản toàn cầu. Thành phố Hoa Lư
đang vững bước tiến vào kỷ nguyên mới bằng tâm thế của đô thị di sản thiên niên
kỷ, thành phố toàn cầu, trung tâm chuyên ngành về du lịch, công nghiệp văn hóa,
công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo của vùng, quốc gia và vươn tầm quốc tế.
Khí thiêng của sông núi, nền tảng giá trị lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư được
phát huy bằng tinh thần kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sẽ tạo
thế và lực cho thành phố Hoa Lư phát triển mạnh mẽ, bứt phá.
Đã qua hơn nghìn
năm, nhưng chứng tích của những chiến công hiển hách trong sự nghiệp chống giặc
ngoại xâm cũng như trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc vẫn còn in đậm trong tâm
trí mỗi người dân Hoa Lư – quê hương được mang tên kinh đô đầu tiên của quốc
gia độc lập và thống nhất. Qua mỗi chặng đường lịch sử của dân tộc, mảnh đất
Hoa Lư kiên cường, bất khuất và rất nên thơ còn để lại dấu ấn của những chiến
công oanh liệt mà người dân Hoa Lư nói riêng và Việt Nam nói chung cùng chung
tay gìn giữ và phát triển.
Tổng hợp
tin bài: Phạm Sinh Khánh – Nguyễn Vân