Gmail

Fanpage

Liên hệ

image banner
     
image banner
image banner
image banner
Du lịch Ninh Bình vào mùa đón khách quốc tế
Từ khoảng tháng 10 năm nay đến tháng 4 năm sau, du lịch Ninh Bình bước vào mùa đón khách quốc tế. Để chuẩn bị đón "mùa vàng", ngành Du lịch đã và đang triển khai các giải pháp đồng bộ... Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch xung quanh nội dung này.

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết, đến thời điểm này, hoạt động đón khách, trong đó có khách quốc tế của ngành Du lịch Ninh Bình đã đạt những kết quả cụ thể như thế nào?

Đồng chí (Đ/c) Bùi Văn Mạnh: Đến thời điểm này các chỉ tiêu về tổng lượng khách và lượng khách quốc tế đến Ninh Bình đều đã “về đích” sớm và vượt so với kế hoạch cả năm. Cụ thể trong 10 tháng của năm 2024, số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 7,6 triệu lượt khách, đạt 104% kế hoạch năm. Trong đó khách quốc tế đón khoảng 1 triệu lượt, đạt 111% so với kế hoạch năm 2024 (900.000 lượt).

Hiện ngành Du lịch Ninh Bình tiếp tục nâng mục tiêu mới và quyết tâm đón 8,7 triệu lượt khách trong năm 2024, vượt 16% so với kế hoạch đề ra (7,3 triệu lượt khách). Doanh thu đạt 8.900 tỷ đồng, vượt 7,8% so với kế hoạch. Một trong những tín hiệu tích cực trong hoạt động đón khách quốc tế đó là, ngoài sự gia tăng của thị trường khách truyền thống như Mỹ, Australia, các nước thuộc khu vực Bắc Âu, Tây Âu thì Ninh Bình đang đứng trước cơ hội lớn đón “làn sóng” khách du lịch từ các thị trường mới nổi đầy tiềm năng.

Trong đó phải kể đến là các thị trường như Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trước bối cảnh xung đột quốc tế ngày càng phức tạp dẫn đến thị trường khách ở một số khu vực sụt giảm thì việc gia tăng các thị trường mới cho thấy tiềm năng, lợi thế của du lịch Ninh Bình khi bước vào mùa cao điểm đón khách quốc tế cuối năm.

Đặc biệt vừa qua ngành đã đón tiếp chu đáo, an toàn đoàn khách của tỉ phú Ấn Độ với trên 5.000 người đến Ninh Bình tham quan, trải nghiệm. Sự kiện đã góp phần khẳng định sức hút, thương hiệu của mảnh đất Cố đô cũng như năng lực đón tiếp, tổ chức đối với những đoàn khách lớn. Đồng thời cho thấy Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung còn nhiều dư địa để tăng thu hút các thị trường mới trong thời gian tới.

PV: Như vậy so với thời kỳ “đỉnh cao” của ngành Du lịch năm 2019 thì lượng khách quốc tế đến Ninh Bình đã vượt và lập “đỉnh mới”. Để có được kết quả khả quan này, ngành đã tập trung triển khai những giải pháp nào?

Đ/c Bùi Văn Mạnh: Bám sát các nghị quyết, chính sách, các văn bản, định hướng phát triển của tỉnh, ngành Du lịch đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, thu hút nhà đầu tư chiến lược trong việc phát triển du lịch hiện đại, chuyên nghiệp, mang đậm bản sắc văn hóa.

Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, các khu điểm du lịch không ngừng làm mới sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực. Nhờ đó cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật cho phát triển du lịch được quan tâm đầu tư đúng mức. Hầu hết các khu, điểm du lịch đều được đầu tư hình thành và phát triển. Hệ thống dịch vụ phục vụ khách như nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, thể thao, bưu chính viễn thông, ngân hàng được quan tâm đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế.

Ngoài ra, ngành cũng chú trọng việc thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm gắn với phát triển du lịch, đăng cai tổ chức nhiều sự kiện văn hóa-thể thao-du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế. Qua đó không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch mà còn góp phần định vị thương hiệu du lịch Ninh Bình trên bản đồ quốc tế.

Một trong những giải pháp trọng tâm góp phần gia tăng lượng khách quốc tế trong năm 2024 là việc đẩy mạnh hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

Nổi bật như tham gia xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Bình tại Diễn dàn du lịch ASEAN và Hội chợ Du lịch quốc tế Travex 2024 tại Viêng Chăn (Lào); xúc tiến, quảng bá du lịch ở Thái Lan và Campuchia; Hội chợ KITS 2024 tại Hàn Quốc; Lễ hội Hoa ban và khai mạc Năm du lịch Quốc gia tại Điện Biên; Lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển và đón nhận danh hiệu thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO; Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 20 năm 2024; Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội 2024; Hội chợ du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024… Các hoạt động này đã góp phần tìm kiếm, mở rộng thị trường, đưa hình ảnh và thương hiệu du lịch Ninh Bình vươn xa hơn nữa trên bản đồ quốc tế.

Đoàn du khách Ấn Độ tham quan Khu du lịch sinh thái Tràng An. Ảnh: Minh Đường

PV: Đồng chí nhận định ra sao về xu hướng du lịch, thị trường dịch chuyển của khách quốc tế đến Ninh Bình trong thời gian tới, ngành đã có sự thích ứng gì trước sự thay đổi này?

Đ/c Bùi Văn Mạnh: Kể từ sau đại dịch, xu hướng dịch chuyển của du khách có nhiều thay đổi. Đối với khách quốc tế, họ ưu tiên lựa chọn những điểm đến mới, hoang sơ, yên tĩnh, gần gũi với thiên nhiên, các điểm đến sinh thái bền vững, điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với hoạt động khám phá văn hóa, cộng đồng. Ngoài ra, một số nhóm khách có xu hướng lựa chọn những hình thức trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ kết hợp các hoạt động thể thao mang tính phiêu lưu, mạo hiểm như trekking, leo núi và một số nhóm có xu hướng tìm đến du lịch chữa lành, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường.

Hiện nay, nhiều du khách quốc tế có nhu cầu tổ chức chuyến đi riêng tư hoặc cùng nhóm nhỏ thay vì đi theo đoàn lớn như trước. Xu hướng dịch chuyển này cũng hoàn toàn phù hợp với mục tiêu, định hướng mà ngành Du lịch Ninh Bình đang thực hiện đó là khai thác du lịch xanh, vì sự phát triển bền vững.

Thời gian qua, các doanh nghiệp, khu điểm du lịch đã không ngừng làm mới, đưa vào trải nghiệm nhiều loại hình đa dạng phục vụ nhu cầu của khách quốc tế như du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ở Khu suối nước nóng Kênh Gà; du lịch kết hợp trải nghiệm văn hóa bản địa tại Khu du lịch sinh thái Động Thiên Hà; du lịch kết hợp thể thao tại Vườn quốc gia Cúc Phương, du lịch sinh thái tại các làng quê trong tỉnh,…

Để đạt được những mục tiêu mới, đón luồng khách tăng cao trong mùa cao điểm, ngành sẽ tăng tốc triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó tiếp tục khuyến khích, chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, làm mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho các cán bộ, nhân viên tại các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch quốc tế, gần đây nhất là Chương trình xúc tiến du lịch tại Nhật Bản tháng 11. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá du lịch Ninh Bình trên nền tảng số Youtube, Tiktok, xây dựng các kênh Youtube quảng bá ẩm thực, du lịch Ninh Bình…

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Nguồn: baoninhbinh.org.vn

  • Từ khóa :
Tin mới