Gmail

Fanpage

Liên hệ

image banner
     
image banner
image banner
image banner
Cố đô Hoa Lư
Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư thuộc Quần thể di sản thế giới Tràng An. Di tích đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích Quốc gia vào năm 1962 và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2012 với tên “Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư”. Đây là điểm đến rất đặc biệt, mang đậm giá trị văn hóa - lịch sử và nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ vô cùng.

Trong lịch sử dựng nước của dân tộc ta, Hoa Lư đã trở thành kinh đô đầu tiên của Nhà nước Phong kiến Trung ương tập quyền. Đây từng là nơi phát tích sự nghiệp dựng nước, giữ nước của ba triều đại là nhà Đinh - Tiền Lê và khởi đầu triều Lý. 

          Năm 968, sau khi sau khi bình định 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng và chọn Hoa Lư làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt. Kinh đô Hoa Lư được bao quanh bởi trùng điệp lớp lớp núi đá vòng cung dựng tường thành, sông bao quanh làm hào, giữa là cung điện triều nghi. Kinh đô Hoa Lư có thế phòng thủ quân sự vững chắc bất khả xâm phạm xưa kia, còn được nhân dân ta gọi là “Kinh đô đá”. Sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long (1010), Hoa Lư trở thành Cố đô và được đổi tên thành phủ Trường Yên.

          Đây là một Kinh đô cổ tồn tại suốt 42 năm (968-1010), là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam. Nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện có liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc như: gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô tại Hà Nội. Theo sử sách truyền lại và nội dung của đôi câu đối ở đền thờ Vua Đinh, ta thấy rằng: nước Đại Cồ Việt khẳng định nền độc lập tự chủ,  kinh đô Hoa Lư xưa là một cung điện nguy nga, tráng lệ không kém gì Thành Trường An bên nước Hán (nhà Hán - Trung Quốc bấy giờ) “ Cồ Việt Quốc Đương Tống Khai Bảo - Hoa Lư Đô Thị Hán Trường An”. Kinh đô Hoa Lư xưa rộng khoảng 300ha, gồm Thành Ngoại, Thành Nội và Thành Nam, được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung, khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8-10 mét. Thành Ngoại rộng khoảng 140 ha thuộc địa phận thôn Yên Thành, xã Trường Yên. Ðây là cung điện chính mà khu vực đền thờ vua Ðinh, đền thờ vua Lê là trung tâm. Kinh thành Hoa Lư xưa gồm hai vòng thành nằm cạnh nhau và một vùng núi kề sát. Theo cách bố trí thời nhà Đinh, nhà Lê, các nhà nghiên cứu chia ba vòng thành: gồm thành Đông, thành Tây và thành Nam. Tuy nhiên do thành Nam chỉ là vùng căn cứ quân sự hiểm trở, phòng thủ mặt sau mà nó thường được dân gian gọi riêng là thành Tràng An, hai vòng thành kia là nơi đặt cung điện nên còn được gọi là thành Hoa Lư.

          Ngày nay hình ảnh của Kinh đô Hoa Lư tuy không còn nguyên vẹn mà thay vào đó là đền thờ Vua Đinh, Vua Lê được xây dựng ngay trên nền của kinh thành xưa. Hai ngôi đền có khoảng cách gần nhau nên du khách thường gọi “ Cố đô Hoa Lư ” là “ Đền Vua Đinh - Vua Lê ”.

  Ðền thờ vua Ðinh Tiên Hoàng được xây theo kiểu kiến trúc“Nội công ngoại quốc” trên nền cung điện chính thuở xưa, uy nghi với Ngọ môn quan, hồ sen, núi Giả, vườn hoa, Nghi môn ngoại, Nghi môn nội cùng ba toà: Bái đường, Thiêu hương và Hậu cung. Điểm nổi bật ở đền thờ vua Đinh chính là Long sàng ở vị trí Sân rồng, được tạc bằng đá xanh nguyên khối với những nét chạm khắc tinh xảo. Đây là một kiệt tác nghệ thuật đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Tiếp đó là nhà Thiêu hương thờ các vị khai quốc công thần. Trong cùng là Hậu cung, thờ vua Ðinh Tiên Hoàng cùng các Hoàng tử nhà Đinh. Các bức hoành phi, câu đối được trang trí tinh xảo bởi nhiều hình rồng, mây, hoa lá trên các cột gỗ, cột đá như bức tranh sống động thể hiện sự tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân từ thế kỷ 17.

  Ðền thờ vua Lê Đại Hành nằm cách đền thờ vua Ðinh Tiên Hoàng chừng 500 mét, có kiến trúc gồm ba toà: Bái đường, Thiêu hương và Chính cung. Đền có quy mô nhỏ và thấp hơn đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, không gian trong đền gần gũi và huyền ảo, đề tài trang trí mỹ thuật độc đáo, nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo, chất liệu sơn son thếp vàng trên gỗ sang trọng, họa tiết hoa văn mang đậm yếu tố cung đình và màu sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc.

  Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành cùng với cả hệ thống đền, chùa, lăng tẩm, miếu phủ, văn bia cổ...trong khu Kinh đô Hoa Lư xưa đều là những di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc rất có giá trị, ghi dấu một thời kỳ hào hùng của dân tộc ta.

         Tại khu di tích Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, hàng năm đều đặn diễn ra lễ hội truyền thống lớn nhất của tỉnh Ninh Bình. Lễ hội Hoa Lư đã được ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia” và đang được đề nghị nâng tầm tổ chức lễ hội theo nghi thức cấp nhà nước. Lễ hội được tổ chức trong ba ngày từ mùng 8 đến 10 tháng 3 âm lịch, gắn với sự kiện ngày vua Đinh đăng quang lên ngôi Hoàng Đế (mùng 10 tháng 3 năm 968). Lễ hội có rất nhiều nghi lễ, nhiều hoạt động gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành như: Lễ mở cửa đền, lễ rước nước, lễ Mộc dục, lễ dâng hương, lễ Tế, Tục hèm - Cờ lau tập trận, kéo chữ Thái Bình...

        Ngoài ra, phần hội còn có nhiều hoạt động khác như: Thi bơi chải, đấu vật tưởng nhớ đến việc vua Đinh tuyển chọn quân đội và luyện tập thủy quân. Thi đấu cờ tướng, chọi gà, nấu ăn… góp phần tạo nên không khí vui nhộn, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân.

          Các nghi lễ trong Lễ hội đã thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” lòng biết ơn sâu sắc của dân tộc ta, mang đậm tính chất sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng, tính liên kết cộng đồng, có vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần, đem lại những giá trị tích cực và là niềm tự hào của người dân vùng đất Cố đô Hoa Lư.

       Hoa Lư là kinh đô dưới hai triều đại Đinh - Lê và Hoa Lư là bước đệm vững chắc để nhà Lý, nhà Trần xây dựng kinh đô Thăng Long xứng đáng với nền văn minh Đại Việt rực rỡ. Những tuyến thành ở Cổ Loa đã tiếp thu từ tuyến thành truyền thống Hoa Lư và sau đó Hoa Lư lại là hình mẫu để nhà Lý xây dựng kinh đô Thăng Long. Nhà Lý đã lấy các địa danh ở Hoa Lư như: Chùa Nhất Trụ, tháp Báo Thiên, Tràng Tiền, Cầu Đông, Cầu Dền... để đặt cho một số địa danh ở Thăng Long, có ý nghĩa quan trọng góp phần tìm hiểu lịch sử dân tộc bắt đầu từ Hoa Lư nở rộ ra kinh đô Thăng Long sau này

          Nằm trong vùng lõi của Quần thể di sản thế giới Tràng An, khu di tích Cố đô Hoa Lư với vẻ đẹp thanh bình, trầm mặc ghi sâu dấu ấn của thời gian, nhưng vẫn đầy uy nghi gợi nhớ về một thuở vàng son rực rỡ..

Phòng Nghiệp vụ Nghiên cứu


 

 

  • Từ khóa :
Tin mới