Gmail

Fanpage

Liên hệ

image banner
     
image banner
image banner
image banner
Khai thác ẩm thực Cố đô để phát triển du lịch
Ninh Bình không chỉ là vùng đất được thiên nhiên ưu ái nhiều cảnh sắc tươi đẹp mà còn được biết đến là miền quê với nền ẩm thực phong phú, độc đáo.  

Đa dạng, độc đáo

Ẩm thực Ninh Bình được biết đến với sự phong phú về số lượng và tinh tế, đa dạng trong từng khâu chế biến. Ngoài những món ăn đã làm nên thương hiệu thì ở mỗi vùng quê lại có những thức quà ngon nức tiếng, trở thành đặc sản quê hương. Nhiều món ăn đã đi vào thơ ca, hò vè, chứa đựng cái tình cái ý của người Cố đô.

Nếu như ở Nho Quan nổi tiếng với các thức quà mang phong vị núi rừng như xôi trứng kiến, mật ong rừng, trà hoa vàng thì ở Gia Viễn lại ghi điểm bởi những món ăn của người đồng chiêm như ốc nhồi, cá nướng rơm, mắm tép. Chẳng thế mà dân gian vẫn còn lưu truyền câu thơ "Muốn ăn cua rốc ốc nhồi. Đem con mà gả cho người đồng chiêm" ý để nói sự phong phú, đa dạng sản vật địa phương, phảng phất trong những câu thơ, câu hò là nét tính cách chăm chỉ, chịu thương chịu khó của người dân vùng chiêm trũng.

Xuôi về phía Nam của tỉnh, du khách lại được đắm mình với những đồi chè, đồi dứa với vô vàn loại sản vật hoa trái. Đặc biệt phải kể đến chè xanh Ba Trại - thứ quà quê dân dã nức tiếng một vùng như câu ca người dân vẫn truyền tai nhau "Khôn uống chè Trại. Dại uống chè Me. Mẹ bảo không nghe uống chè Bồng Lạng". 

Ở huyện Yên Mô thì nổi tiếng với món giò trứng, bánh đúc, nem Yên Mạc khiến thực khách phải ngẩn ngơ mà thốt lên rằng "Tay cầm bầu rượu nắm nem. Mải mê quên mất lời em dặn dò…". Còn ở Yên Khánh có các loại bánh. Ở Kim Sơn nổi tiếng với chạo chân giò, gỏi nhêch, bún mọc, rượu. 

Huyện Hoa Lư thì có các món thịt dê, cơm cháy, cá tràu tiến vua, cá rô Tổng Trường. Trong đó món thịt dê Ninh Bình từng được Trung tâm kỷ lục Việt Nam xác lập là 1 trong 50 món đặc sản Việt.

Ngoài ra, ở thành phố Ninh Bình cũng đã hình thành nên những tuyến phố, con đường ẩm thực, thu hút nhiều thực khách gần xa. Có thể kể đến như ẩm thực phố 8, phố ăn sáng Vân Giang hay khu ẩm thực Phố cổ Hoa Lư. 

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chi hội trưởng Chi hội Nhà hàng, Hiệp hội Du lịch tỉnh, sức hấp dẫn của văn hóa ẩm thực Cố đô không chỉ ở sự đa dạng, phong phú về hương vị, màu sắc món ăn mà còn xuất phát từ tri thức, kỹ thuật, bí quyết nhà nghề và những câu chuyện xung quanh thể hiện bề dày lịch sử văn hóa của mỗi miền quê, vùng đất. 

Sự tinh tế không chỉ ở khẩu vị mà còn ở việc chọn lựa cách thức ăn uống - món nào "đi với" món ấy, mùa nào thức ấy… Nhiều khi chỉ qua những chi tiết nhỏ, cả người ăn và người nấu ăn cùng thể hiện sự đúc kết, chắt lọc trong văn hóa ăn uống.

Nâng tầm ẩm thực quê hương

Ninh Bình là vùng đất có khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa hình bao gồm cả núi non, trung du, đồng bằng, sông ngòi, đầm lầy, ven biển... Chính vì vậy, đây là nơi hội tụ nhiều loài thực vật, động vật đa dạng, phong phú, tạo nên nguồn nguyên liệu tự nhiên tuyệt vời cho ẩm thực Cố đô. Ngoài ra, Ninh Bình cũng nằm ở vị trí giao thoa của nhiều nền văn hóa, mang đặc trưng của nền văn minh lúa nước nên trong quá trình sinh sống và phát triển, người dân Ninh Bình đã tiếp thu, bồi tụ các giá trị ẩm thực trên cơ sở gìn giữ những tinh hoa của cha ông, tổ tiên để lại.

Trải qua sự vận động của dòng chảy hiện đại, những món ăn được người dân Cố đô biến tấu, cách điệu và trở nên tinh túy hơn, nghệ thuật hơn. Ngoài việc hướng tới nhu cầu ăn uống hàng ngày của người dân, ẩm thực Ninh Bình đang được nâng tầm, chế biến để phục vụ thực khách trở thành những đặc sản địa phương. Khai thác tiềm năng ẩm thực trong phát triển du lịch là một trong những hướng đi cần được ưu tiên thực hiện.

Khai thác ẩm thực Cố đô để phát triển du lịch
 Các thí sinh của cuộc thi Miss Cosmo 2024 đến từ nhiều quốc gia thưởng thức và quảng bá đặc sản dê hun khói Ninh Bình. Ảnh: Ngọc Linh

 

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Du lịch ẩm thực đang trở thành một loại hình du lịch khá phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ở đó, du khách không chỉ được trải nghiệm các món ăn, đồ uống, mà còn được trải nghiệm bản sắc văn hóa và cuộc sống của cộng đồng tại điểm đến.

Sở hữu nền ẩm thực phong phú, đa dạng cùng những tinh hoa trong cách chế biến, thưởng thức được đúc kết qua hàng nghìn năm lịch sử, Ninh Bình có tiềm năng để phát triển du lịch ẩm thực. "Ninh Bình cần coi ẩm thực là một loại hình di sản để có chiến lược bảo tồn, nâng tầm và phát triển. Trong đó tập trung nhấn mạnh các câu chuyện văn hóa, câu chuyện lịch sử, câu chuyện làm nghề để thổi hồn cho mỗi món ăn" - ông Bình cho biết thêm.

Thời gian qua, các doanh nghiệp, địa phương cũng đã đưa khai thác ẩm thực để phát triển du lịch, như: Tham gia hội chợ, tổ chức lễ hội ẩm thực truyền thống, xây dựng các tour khám phá, trải nghiệm du lịch nông thôn, nấu ăn cùng người bản địa... Nhờ đó, du khách có cơ hội được thưởng thức các đặc sản vùng miền và hiểu thêm văn hóa, lịch sử, sinh hoạt của cộng đồng dân cư. 

Đặc biệt Ninh Bình là địa phương đầu tiên đã thành lập Chi hội Nhà hàng của ngành du lịch Việt Nam. Đây là một trong những nỗ lực thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm xây dựng và phát triển lĩnh vực nhà hàng, đưa ẩm thực Ninh Bình ngày càng đậm nét hơn trên bản đồ ẩm thực của cả nước.

Đồng chí Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, việc khai thác thế mạnh ẩm thực sẽ góp phần mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, trọn vẹn khi đặt chân tới mảnh đất Cố đô. Hướng đi này sẽ góp phần thúc đẩy du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn phát triển, hướng tới sự phát triển bền vững.

Thời gian qua, Sở cũng đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức, chuyên gia ẩm thực nghiên cứu và tái hiện không gian văn hóa ẩm thực cung đình xưa, nhất là các món ăn của các bậc quân vương, Tiên đế trên vùng đất kinh kỳ đô hội Hoa Lư xưa. Tới đây sẽ tổ chức Liên hoan ẩm thực du lịch Ninh Bình, trong đó sẽ có phần thi mâm cỗ tiến vua là dịp để bảo tồn, quảng bá văn hóa, lịch sử, nhất là tinh hoa ẩm thực Cố đô.

Nguồn: baoninhbinh.org.vn

  • Từ khóa :
Tin mới