Tam Cốc – Bích Động, viên ngọc sáng được mài giũa bởi thiên nhiên
Đến với Khu du lịch Tam Cốc thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Du khách được lênh đênh trên con thuyền nhỏ xuyên qua 3 hang động: Hang Cả, Hang Hai và Hang Ba. Cả ba hang đều là những hang động xuyên thủy, được thiên nhiên tạo tác qua hàng triệu năm, xuyên qua núi mà tạo thành hang trên dòng sông Ngô Đồng. Mỗi hang một vẻ lung linh sắc màu với hàng ngàn nhũ đá và bao huyền tích qua hình tượng mỏ Đại Bàng, núi Bến Thánh, núi Phượng Hoàng, núi Hàm Rồng. Đối diện núi Hàm Rồng là núi Kim Quy (núi Rùa)… thấp thoáng ẩn hiện trên vòm hang vách động, như dẫn hồn du khách vào chốn bồng lai tiên cảnh. Người lái đò khua nhẹ mái chèo đưa du khách thăm quan các hang động, tiếng sóng vỗ nhẹ vào mạn thuyền, vào vách hang, lúc nghe rì rào, lúc róc rách, lao xao cùng tiếng gió thì thầm như tiếng thần Núi từ cõi linh thiêng ngàn xưa vọng về.

Hang động đầu tiên là Hang Cả với chiều dài khoảng 127m, chiều rộng ước chừng 20m. Hang được bao bọc bởi ngọn núi lớn vắt ngang qua hai dãy núi bên sông, nước xanh trong, trần hang cao hơn 5m uốn theo hình vòng cung nên mỗi khi hè về, không khí trong hang mát lạnh, du khách qua đây ai cũng cảm thấy thư thái, xua tan cái nắng nóng chói chang của mùa hè. Phía trong hang là những chùm nhũ đá óng ánh sắc màu và phản chiếu xuống mặt nước long lanh. Con thuyền nhè nhẹ đưa du khách qua hang Cả sẽ là bao la sắc vàng của cánh đồng lúa chín đang vào độ rộ. Xa xa bên sườn núi, từng đàn dê nhởn nhơ ăn cỏ. Vách núi cheo leo được tô điểm bởi những bông hoa rừng đầy màu sắc, thỉnh thoảng có cơn gió đi qua, các cánh hoa khẽ đu đưa như những đàn bướm sặc sỡ đang dập dờn bay.
Chưa hết trầm trồ bởi vẻ đẹp hoang sơ của hang Cả, du khách lại cảm thấy choáng ngợp với vẻ đẹp của Hang Hai, cách hang Cả gần 1km, dài khoảng 60m và rộng 18m. So với hang Cả, trần hang của hang Hai thấp hơn, chỉ khoảng 3,5m với vô vàn nhũ đá đẹp muôn hình vạn trạng rủ xuống như đang đua mình xuống nước. Ngay trước cửa hang là hình bầu sữa mẹ, bên cạnh là các nhũ đá nhỏ đang chầu đầu về phía bầu sữa như một đàn con thơ. Mùa nước dâng cao, du khách có thể tận tay chạm vào từng nhũ đá trắng ngày hay màu bạch kim lấp lánh, đang soi mình long lanh dưới nước.
Cách hang Hai 100m là Hang Ba. Đây là hang ngắn nhất, thấp nhất nhưng lại là hang hút gió nhất. Trần hang chưa tới 3m nên hang thường xuyên bị ngập nước khi mưa nhiều, dẫn đến các nhũ đá bị bào mòn, nhiều chỗ thành vệt nhẵn. Hang Ba như một điểm nhấn cuối chặng đường thăm quan, kéo dài cảm giác bất ngờ thú vị của du khách trước vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ của thiên nhiên.
Dọc hai bên bờ sông Ngô Đồng là những dãy núi đá vôi trùng điệp với những dấu ấn địa chất in đậm hai bên chân núi bởi những dấu tích của biển tiến, biển thoái từ triệu năm về trước. Xa xưa, nơi đây là biển cả mênh mông, sóng biển vỗ không ngừng hàng nghìn, hàng triệu năm bào mòn, khuyết sâu vào núi đá, tạo thành những vết lõm hình vòm, những vết hình ngang như đường kẻ.
Tam Cốc như sự lắng đọng của từng giọt thời gian, sự miệt mài, tỉ mỉ của tạo hóa qua hàng triệu năm đã vẽ lên 1 bức tranh trác tuyệt, làm say đắm lòng người. Với khoảng thời gian 2 tiếng đồng hồ du ngoạn trên thuyền, du khách vừa được thưởng thức cảnh mây trời, sông nước, núi non thi vị, vừa được ngắm nhìn Tam Cốc thay màu áo mới vàng rực. Cảm giác như tất cả vẻ đẹp của đất trời đều dồn góp về nơi này.
Chùa Bích Động nằm cách bến thuyền Tam Cốc khoảng 3km. Năm 1705, có hai vị hoà thượng, pháp danh là Trí Kiên và Trí Thể, có lòng mộ đạo, muốn đi nhiều nơi để truyền bá đạo Phật và xây dựng các ngôi chùa. Đến đây, thấy núi Bích Động có địa thế tuyệt đẹp và đã có chùa, nên hai nhà sư quyết định dừng chân, tự mình sửa sang chùa cũ, đi quyên giáo xây dựng lại thành ba ngôi chùa: Hạ, Trung và Thượng để tu hành. Năm Chính Hòa thứ 20 (1695) có hai vị sư là Trí Kiên và Trí Thể đến khu vực Đam Khê, thấy phong cảnh kỳ thú, núi non trùng điệp, sông hồ bao bọc xung quanh, lại phát hiện ra nhiều hang động đẹp, hai vị sư bèn vận động nhân dân trong vùng góp công, góp của tôn tạo, mở mang thêm cảnh chùa... Năm Đinh Hợi (1707), hai nhà sư Chí Kiên và Chí Thể đã đúc một quả chuông lớn, hiện còn treo ở động Tối. Hai năm sau, năm Kỷ Sửu (1709) vào tháng 8 âm lịch, hai nhà sư Chí Kiên và Chí Thể lại làm bia khắc minh văn chùa Bích Động viết bằng chữ Hán, trong đó có đoạn :
Phiên âm:
Tư sơn luỹ tích,
Phúc ngộ thiên duyên.
Khai sơn tạc thạch,
Uẩn khí lưu truyền.
Dịch nghĩa :
Từng lên núi ấy.
Có phúc có duyên.
Mở núi đục đá
Tính khí lưu truyền.
Khoảng năm Giáp Ngọ (1774), Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1767 – 1782) đã đến thăm chùa và đặt tên cho chùa Bích Động. Bích Động có nghĩa là Động Xanh, cái tên rất đẹp và mộng mơ. Có lẽ khi chúa Trịnh Sâm đến đây, bao phủ Chùa là một màu xanh mướt của cỏ cây, đồng ruộng, núi rừng, sông nước nên đặt tên là Động Xanh.
Chiếc cầu đá nhỏ bắc qua hồ sen, dẫn lối vào không gian chùa tĩnh lặng, linh thiêng giữa vùng núi non trùng điệp. Chùa Bích Động là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng bằng gỗ lim, mái lợp bằng ngói không có mấu, mũi lượn tròn, các góc của mái đều có đầu đao cong vút lên như hình lưỡi đao hoặc như hình đuôi chim con chim phượng, làm cho mái uốn lượn, uyển chuyển như sóng nước thuỷ triều, nhìn từ xa như hai cánh chim đang dang rộng cánh bay lên.
Chùa Bích Động được xây dựng theo kiểu tam cấp dọc theo sườn núi. Dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành 3 ngôi chùa riêng biệt: Hạ, Trung và Thượng. Bao quanh chùa Bích Động là năm ngọn núi chầu về, gọi là Ngũ Nhạc Sơn. Chỉ một tiếng chuông chùa ngân lên, ngay lập tức có năm tiếng chuông từ vách núi Ngũ Nhạc Sơn vọng lại nghe thật êm ái, du dương.
Sau khi lễ Phật ở chùa Bích Động, du khách bước lên 21 bậc đá là đến Động Tối. Bước vào Động tối là cảm giác choáng ngợp của tạo hoá thiên nhiên đã khắc hoạ lên những khối nhũ đá tạo hình ông tiên, cô tiên, tiểu đồng, rồng lượn, rùa bơi, voi chầu, hổ phục… Để lên chùa Thượng, du khách cũng phải đi thêm gần 40 bậc đá theo sườn núi. Đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất, gần đỉnh núi Bích Động, nơi thờ Phật bà Quan Âm. Đứng giữa sân chùa Thượng, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh Bích Động từ trên cao, xa xa xen giữa những dãy núi trùng điệp là những nhánh sông nhỏ uốn lượn tạo nên một bức tranh thuỷ mặc.
Về với Tam Cốc – Bích Động, giữa mênh mông sông nước và núi non hùng vĩ, con người bỗng như nhỏ bé trước thiên nhiên, không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng gió thổi vi vu vút qua những cung đàn đá, tiếng chim hót lảnh lót như buông trên từng nốt nhạc…
Tin bài: Linh Linh