Gmail

Fanpage

Liên hệ

image banner
     
image banner
image banner
image banner
QUÁ TRÌNH THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO GIỮA TRIỀU ĐINH VÀ NHÀ TỐNG - SỬ THỰC, TẦM VÓC VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ

Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư, nơi lưu giữ, bảo tồn dấu tích lịch sử, văn hóa Việt Nam thế kỷ 10. Thế kỷ 10 là mốc rất quan trọng của lịch sử Việt Nam. Đó là Thế kỷ bản lề, khép lại thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc và mở ra thời đại độc lập dân tộc. Ở vào thế kỷ 10 khu vực Quần thể danh thắng Tràng An được người dân nước Việt, được Đinh Tiên Hoàng chọn làm nơi xây dựng kinh đô - Kinh đô Hoa Lư, trung tâm văn hoá Việt Nam, biểu trưng cho tinh thần bất khuất, tự lực, tự cường và truyền thống thống nhất quốc gia dân tộc, một mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam. Kinh đô Hoa Lư, nơi có không gian giao thoa về tự nhiên và văn hóa xã hội, có vai trò lớn lao trong lịch sử dân tộc trong đó việc bang giao, đặc biệt là bang giao với nhà Tống đã đánh dấu nhiều mốc son lịch sử.

Sách Trung Hoa Cương mục tiền biên và Đại Việt sử ký toàn thư  cho thấy việc bang giao với Trung Hoa của nước ta đã có từ thời Hùng Vương, nhưng chưa được Trung Hoa coi trọng. Phải đến thời phong kiến quân chủ Ngô Quyền chiến thắng trên sông Bạch Đằng, giành được độc lập (938), mở ra thời kỳ độc lập tự chủ cho dân tộc ta, Trung Hoa mới chú trọng đến vấn đề bang giao với ta với tư cách và vị thế của một nước, đặc biệt từ thời Đinh - Tiền Lê thì Trung Hoa mới chú trọng tới quan hệ ngoại giao và các cuộc giao lưu tiếp xúc với Sứ thần nước ta với họ. Chứng tỏ các triều đình nước ta đã vững mạnh, đã ở thế độc lập tự chủ, có thể sánh vai cùng các triều đình Trung Hoa tồn tại phát triển. Để có được những trang lịch sử ngoại giao lớn mạnh và vẻ vang trong mối quan hệ bang giao với các triều đại phương Bắc, chúng ta cần phải nghiên cứu, phân tích, đánh giá vai trò và tầm vóc của việc thiết lập quan hệ bang giao giữa triều Đinh (Việt Nam) và triều đại nhà Tống (Trung Quốc). 

anh tin bai

Quá trình thiết lập ngoại giao giữa triều Đinh và nhà Tống qua nguồn sử thực

Về quan hệ ngoại giao giữa triều Đinh và nhà Tống, đã được một số nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu, song vẫn còn nhiều thông tin chưa được khai thác và điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến việc nhìn nhận, đánh giá khách quan, công bằng về quá trình thiết lập ngoại giao của triều Đinh với nhà Tống. Trong bài viết này, chúng tôi mong muốn khai thác nhiều nhất có thể các nguồn tư liệu sử thực của cả Việt Nam và Trung Quốc, để từ đó đưa ra những nhận xét, góp phần đánh giá khách quan và đầy đủ hơn về hoạt động ngoại giao thời Đinh Tiên Hoàng.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh sau khi đánh dẹp và thu phục các sứ quân nổi dậy từ thời nhà Ngô, thống nhất quốc gia và lên ngôi Hoàng đế. Ở phương Bắc, nhà Tống từng bước hoàn thành việc tiêu diệt các nước phương Nam, lần lượt chiếm các nước Nam Bình, Hậu Thục và tiến đánh Nam Hán, cương thổ áp sát nước Đại Cồ Việt non trẻ vừa mới thành lập.

Vua Ngô Xương Văn trước đây chỉ sai sứ quan lại với chính quyền Nam Hán ở Quảng Châu mà chưa tiếp xúc với nhà Tống ở Biện Kinh. Trước tình hình biến động về cục diện chính trị ở cả trong nước và ở Trung Quốc, triều đình nhà Đinh đứng đầu là Đinh Tiên Hoàng đã chủ động thiết lập quan hệ bang giao với triều đình Bắc Tống.  

Trong lịch sử các triều đại sau nhà Tống, việc sách phong đối với lịch triều Việt Nam, thực ấp cũng không đạt đến kỷ lục một vạn hộ. Từ năm Thái Bình thứ 3 về sau, sử liệu đã ghi chép triều Đinh có những lần đi sứ nhà Tống như sau:

Lần thứ nhất:

- Đinh Liễn, con trưởng của Đinh Bộ Lĩnh, vị hoàng đế khai quốc triều Đinh. Sử liệu Việt Nam có chép “(Nhâm Thân năm thứ 3, Tống Khai Bảo năm thứ 5) sai Nam Việt vương Đinh Liễn hỏi thăm nhà Tống. tr.181). (Nhâm Thân năm thứ 3, Tống Khai Bảo năm thứ 5) sai Nam Việt vương Đinh Liễn sang nhà Tống]. tr.446 và sử liệu Trung Quốc ghi (Khai Bảo năm thứ 5, tháng 5, ngày Kỷ Tị, Đinh Liễn ở Giao Chỉ bắt đầu sai sứ nội phụ, trao cho quan tước (quyển 17, tờ 5).

Tuy nội dung ghi chép có chỗ khác nhau nhưng phần lớn đều là năm này Đinh Liễn đi sứ nhà Tống.

          Lần thứ 2:

- Sử liệu Việt Nam không ghi chép họ tên người đi sứ, nhưng căn cứ vào Tống hội yếu tập cảo, có chép: “(Khai Bảo) năm thứ 6, tháng 4, nghe Thái tổ đánh được Lãnh Biểu (tức Lưỡng Quảng), bèn sai sứ sang cống phương vật, dâng biểu xin nội phụ. Tháng 6, lấy Trịnh Tú, Vương Thiệu Tộ làm Phụng tiến sứ Giao Châu, đều được phong làm Ngân Thanh Quang lộc đại phu, Kiểm hiệu Tả tán kị thường thị Thanh Quang lộc đại phu, kiêm Ngự sử đại phu, Thượng trụ quốc.”.

Lần thứ 3:

- Trịnh Tú đi năm Thái Bình năm thứ 6 (975), Khai Bảo thứ 8. Sử liệu Trung Quốc không ghi chép họ tên người sang sứ, căn cứ vào sử liệu Việt Nam (Ất Hợi, năm thứ 6, Tống Khai Bảo năm thứ 8), sai Trịnh Tú đem vàng lụa, sừng tê, ngà voi sang Tống, tr.181. (Ất Hợi, năm thứ 6, Tống Khai Bảo năm thứ 8) bấy giờ đế sai Trịnh Tú đem phương vật sang Tống, tr.449. “Tống năm Khai Bảo, Đinh Liễn sai Trịnh Tú, Vương Thiệu Tộ, Giang Cự Hoàng cống vàng lụa, sừng tê, ngà voi”, tr.331), được biết ngay năm Thái Bình thứ 4 sau khi sai sứ sang Tống, thì vào năm thứ 6 lại cho Trịnh Tú và Vương Thiệu Tộ đi sứ, đồng thời nhiều lần phái Sứ tiết Giang Cự Hoàng đi.

Lần thứ 4:

- Phò mã Trần Nguyên Thái đi năm Thái Bình thứ 7 (976) Tống Thái Tông Thái Bình Hưng Quốc nguyên niên. Sử liệu Việt Nam ghi: Bính Tý, năm thứ 7, Tống Khai Bảo năm thứ 9, tháng 10 về sau, Tống Thái Tông Khuông Nghĩa Thái Bình Hưng Quốc nguyên niên, sai Trần Nguyên Thái sang Tống đáp lễ (tr.182). Bính Tý, năm thứ 7 (Tống Thái Tông Thái Bình Hưng Quốc nguyên niên) mùa xuân, sai sứ sang Tống. Sai Trần Nguyên Thái đem phương vật sang thăm. (tr.451).

Lần thứ 5:

-  Sử sách không ghi rõ tên, theo sử liệu Việt Nam có ghi: năm Đinh Sửu, năm thứ 8 (Tống Thái Tông Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 2) sai sứ sang Tống, mừng Thái Tông lên ngôi. Tống hội yếu tập cảo ghi: (Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 2) tháng 12, ngày 27, Giao Châu Đinh Liễn sai sứ đem phương vật sang cống. (Phiên di thất chi cửu)

Qua đây chúng ta thấy, Trịnh Tú đi sứ 2 lần, Vương Thiệu Tộ đi sứ 2 lần, Giang Cự Hoàng đi sứ 1 lần, Trần Nguyên Thái đi sứ 1 lần. Ngoài ra còn một lần có người đi sứ nhưng sử liệu không chép họ tên. Như vậy, trong vòng 13 năm triều Đinh lập quốc, tổng cộng có 5 lần đi sứ, với tổng là 8 lượt người. Điều đáng chú ý là, ngoài Trần Nguyên Thái và vị sứ thần không được ghi chép họ tên ra, thì thân phận của những người đi sứ đều là Nha hiệu (thân binh của Tiết độ sứ).

Triều Đinh hướng tới chính quyền độc lập tự chủ, trước giai đoạn này, từ thời Tần Hán trở lại, cho dù là Trưng Trắc, Triệu Ẩu, Lý Bí, Dương Thanh đã từng kiến hiệu lập quan như thế nào, cũng đều không kéo dài được lâu, tức là nhanh chóng bị chính quyền Trung Quốc bình định. Triều Đinh dựng lên là kết quả tổng hợp của liên minh do Đinh Bộ Lĩnh vốn là nha binh (nha tướng) của Dương Đình Nghệ mà nên.

Đinh Bộ Lĩnh không chỉ chấm dứt thời kỳ phân tranh mà hơn nữa ông còn thống nhất lại 12 sự cai quản vốn thuộc An Nam Đô hộ phủ, đồng thời lợi dụng chính sách phân ly nội chính và ngoại giao để giải thoát thành công khỏi sự áp bức của chính quyền lớn mạnh Trung Quốc, kiến lập nên một cơ chế “vùng đệm 緩衝” để chống lại các lực lượng thống nhất mới ở phương Bắc mới nổi lên. Từ các bản đồ trên đây có thể thấy được thế lực của 12 sứ quân mà Đinh Bộ Lĩnh đã thống nhất được là lực lượng ở vùng cốt lõi, chiếm được ưu thế về mặt địa lý để sau khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất, ông đã thoát ly cục diện chính quyền địa phương, và dần dần chuyển sang kiểu chính quyền quốc gia. Sự thành công đó đã đưa chính trị nước ta vào thời kỳ tự chủ. Thế nhưng chính trong lúc này, triều đình Đại Việt lại phải đối diện với vương triều thống nhất mới nổi lên ở phương Bắc, cụ thể ở đây là nhà Bắc Tống. Đây chính là thời khắc then chốt, việc phải làm như thế nào để sai sứ thần sang giao hảo với với vương triều ở Trung nguyên là việc cực kỳ quan trọng, sứ thần ngoại giao của ông phải là người hiểu biết đầy đủ toàn bộ tình hình, đồng thời phải được Đinh Tiên Hoàng đế tín nhiệm cho nên vị sứ thần đầu tiên là Đinh Liễn con trai cả của Đinh Bộ Lĩnh, người đóng một vai trò cực kỳ tinh tế và mang tính then chốt trong mối quan hệ bang giao 2 nước thời kỳ này.

anh tin bai

Trong lịch sử Trung Quốc, ở thời cuối Đường sang Ngũ đại, do sự suy yếu của chính quyền trung ương, nên có sự trỗi dậy của thế lực phiên trấn với việc tập hợp và trông cậy vào lực lượng tư binh (binh lính tư nhân). Nhưng cũng vì quan hệ tồn tại hỗ trợ lẫn nhau giữa tư binh và phiên trấn, nên các phiên trấn ra sức liên kết tư binh, họ nhận được nhiều ưu ái, nhưng cũng vì thế mà dễ dẫn đến những xung đột lợi ích và mâu thuẫn phe phái. Qua đó chúng ta cũng biết được lực lượng Nha quân là một thế lực hùng mạnh nhưng lại có thể quay lại phản nghịch nếu họ không có được quyền lợi chính đáng. Chúng ta đều biết thành phần nhóm nòng cốt của triều Đinh cũng có quan hệ mật thiết với Nha quân. Nha hiệu là lực lượng sĩ quan quan trọng trong hệ thống tư binh phiên trấn, mà sự thể hiện của Nha hiệu chính là quan hệ nương tựa thân thiết giữa họ và chủ soái. Vào đầu năm Thái Bình, khi mà cơ đồ vương nghiệp chưa vững mạnh, lại ở vào thời khắc mà cả hai nước đều đang diễn ra những thay đổi lớn và nhanh chóng về cục diện chính trị, đặc biệt là khi triều Đinh phải đối mặt với triều đình Bắc Tống vừa thống nhất, thì cho dù nhìn nhận từ bất cứ góc độ nào, chúng ta cũng đều thấy triều Đinh yếu thế hơn, nên mỗi lần đi sứ đều phải liên quan đến việc đàm phán lợi ích song phương. Do đó, từ việc đi sứ của Đinh Liễn (con trai) đến Trịnh Tú (đồng hương, nha tướng) rồi đến Vương Thiệu Tộ (Nha hiệu), Giang Cự Hoàng (Nha hiệu), Trần Nguyên Thái (Phò mã), đại để chúng ta có thể thấy được diện mạo cơ bản trong cơ cấu quyền lực của nhà Đinh.

Bảng thụ phong được thống kê như sau:

Thời gian[1]

Người thụ phong

Chức tước

Thực ấp

Phong hiệu

 

 

Khai Bảo 6

973

Thái Bình 6

 

 

Đinh Liễn

Đặc tiến Kiểm hiệu Thái sư, sung Tĩnh Hải quân Tiết độ, Quản nội quan sát xử trí đẳng sứ, An Nam Đô hộ, Sứ trì tiết Đô đốc Giao Châu chư quân sự, Ngự sử Đại phu, Thượng trụ quốc, Phong Tế Âm quận Khai Quốc công.

Thực ấp một vạn hộ.

Tứ Suy thành Thuận hoá công thần.

 

 

 

 

 

 

Khai Bảo 8

975

Thái Bình 6

 

 

Đinh Liễn

Gia thụ Nam Việt vương Liễn Khai phủ Nghi đồng Tam ti[2], Kiểm hiệu Thái sư, Giao Chỉ Quận vương.

 

 

 

 

 

Đinh Bộ Lĩnh

Thụ Khai phủ Nghi đồng Tam ti, Kiểm hiệu Thái sư, phong Giao Chỉ Quận vương.

 

 

 

Tầm vóc và bài học lịch sử

Nói về tầm vóc, chúng ta có thể thấy những nét tương đồng của Đinh Tiên Hoàng và Tần Thủy Hoàng. Hai người đều là những người mở đầu cho triều đại mới. Tần Thuỷ Hoàng là người đã lập nên triều đại phong kiến đầu tiên ở Trung Hoa vào năm 221 tr.CN. Trong khi đó Đinh Tiên Hoàng năm Mậu Thìn (968) đã lập nên triều Đinh. Chế độ phong kiến nước ta được xem như ra đời vào thế kỷ thứ X thời Ngô - Đinh - Tiền Lê. Hai ông cũng là hai vị Hoàng đế đầu tiên của chế độ phong kiến ở hai nước. Đều là những nhà quân sự tài giỏi của nghệ thuật xây thành: Đinh Tiên Hoàng vốn là người con của vùng đất Hoa Lư. Khi lên ngôi, ông lấy Hoa Lư làm kinh đô. Trong buổi đầu mới tạo dựng triều đại, kinh thành Hoa Lư được xây dựng không chỉ làm trung tâm đất nước mà còn là một căn cứ quân sự hiểm trở để phòng chống sự tấn công từ bên ngoài. 

Thành Hoa Lư được xây dựng bằng cách nối lại các dãy núi đá trong tự nhiên bằng tường thành nhân tạo, từ đó tạo nên thành ngoại là thành Đông, vòng thành trong là thành Tây, thành Nam (thành Tràng An) mà đến nay di sản để lại của ông nằm trong vùng lõi của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Việt Nam. Đối với Tần Thuỷ Hoàng, sau khi dẹp được các nước lân bang, thống nhất Trung Hoa, để ngăn ngừa giặc Hung Nô từ phương Bắc lấn chiếm, ông cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành cũng bằng cách nối lại các đoạn thành sẵn có của các nước chư hầu trước đó và để lại di sản thế giới Vạn Lý Trường thành, Trung Hoa ngày nay.

   Cả Đinh Tiên Hoàng và Tần Thủy Hoàng khi làm vua đều dùng chính sách cai trị bằng pháp luật nghiêm khắc. Họ đều ở ngôi trong 12 năm. Cả hai triều đại Tần và Đinh đều tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng mang ý nghĩa trọng đại trong lịch sử. Triều Đinh chính là khởi đầu của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên và Đinh Tiên Hoàng là người mở nền chính thống cho các triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam. Với ý nghĩa tương tự, Tần Thủy Hoàng đã mở ra gần hai thiên niên kỷ cai trị của phong kiến Trung Quốc.

Quay lại thời điểm thế kỷ X giữa nhà Đinh và nhà Tống, nhìn lại quá trình thiết lập ngoại giao giữa vương triều Đinh với nhà Tống được phản ánh qua thư tịch cổ của Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta có thể nhìn thấy tầm vóc ngoại giao của Đinh Tiên Hoàng và rút ra một số giá trị, bài học như sau:

Thứ nhất, việc thiết lập mối quan hệ hoà hiếu với nhà Bắc Tống được triều Đinh chú trọng thực hiện ngay sau khi thiết lập hệ thống chính quyền, nhằm đảm bảo hoà bình cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, củng cố độc lập, tự chủ dân tộc. Đinh Tiên Hoàng, vị vua khai sáng nhà Đinh đã rất khôn khéo và nhạy bén trong việc cử sứ thần sang thăm hỏi, biếu các sản vật địa phương, sang chúc mừng tân vương… tất cả đều nhằm gây dựng mối quan hệ hoà hiếu và mong muốn nhanh chóng có được sự công nhận chính thức, hợp pháp địa vị của mình so với các nước lân bang khác.

Thứ hai, từ thân phận của các sứ thần được cử đi sứ trong triều đình nhà Đinh, (từ con ruột, đồng hương, cho đến các Nha tướng (Nha hiệu) thân tín và Phò mã), cho thấy Đinh Tiên Hoàng đã rất nhạy bén (đối với triều đình phương Bắc) nhưng cũng rất thận trọng (đối với tình hình nội chính trong nước) trong việc lựa chọn người đi sứ. Trong bối cảnh lịch sử khi mà chế độ khoa cử chưa được tổ chức thực hiện, triều Đinh non trẻ được gây dựng nên từ những cuộc tranh giành giữa các sứ quân, chưa có những quan lại xuất thân khoa bảng am tường “Thi Thư” để lo công việc chuyên đối, thì việc cắt cử những người thân tín và phải am hiểu tình hình nội chính cũng như mạnh mẽ bản lĩnh (Nha tướng) trước áp lực khi phải đối diện với vua quan triều đình phương Bắc là điều chắc hẳn rất được Đinh Tiên Hoàng và con trai ông - Đinh Liễn cân nhắc lựa chọn. Mức độ thân tín và chức vụ quyền hạn của các sứ thần được cử sang nhà Tống cũng giảm dần theo thời gian cho thấy tài ngoại giao khéo léo và tinh tường của nhà vua.

Thứ ba, việc thiết lập ngoại giao và thực hiện triều cống của nhà Đinh với nhà Tống được thực hiện nhanh chóng và liên tục (trong vòng 13 năm triều Đinh lập quốc, tổng cộng có 5 lần đi sứ, với tổng là 8 lượt người). Điều này góp phần cho nhà Tống nhìn nhận rằng đó là biểu hiện của sự trung thành và thần phục, giúp cho Đinh Tiên Hoàng có thời gian và tập trung sức lực trong việc củng cố xây dựng vương triều non trẻ của mình. Nhà Đinh đã mở đầu cho truyền thống “trong xưng đế, ngoài xưng thần” là một trong những truyền thống ngoại giao của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Quá trình thiết lập ngoại giao của triều Đinh mà đứng đầu là Đinh Tiên Hoàng, giúp cho chúng ta rút ra bài học rằng ngoại giao, nhất là ngoại giao với cường quốc cần phải được tổ chức nhanh chóng, bài bản, nhưng đồng thời cũng phải hết sức thận trọng và khôn khéo để có thể giành được sự tin tưởng của đối phương mà không làm mất đi hình ảnh thế đứng độc lập của nước mình, mà ngày nay chúng ta gọi là “ngoại giao cây tre” - vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn bản lĩnh.

Tổng hợp tin bài: Trần Thị Thanh Nga

Nguyễn Thị Vân



[1] Thời gian hàng thứ nhất là niên hiệu nhà Tống, hàng thứ 2 là năm Dương lịch quy đổi, hàng thứ 3 là niên hiệu Việt Nam.

[2] Khai phủ Nghi đồng Tam ti: Tên chức quan. Khai phủ, là chỉ lấy danh nghĩa của mình được phép mở mộ phủ và mộ liêu bộ thuộc. Người được thụ Nghi đồng Tam ti có thể được đãi ngộ ngang với hàng Tam công. Nhìn chung, chức Khai phủ Nghi đồng Tam ti là sự ban thưởng lớn dành cho những đại công thần có công lao lớn. Chức Khai phủ, bắt đầu được ra ở thời Hán, duy hàng Tam công (thời Đông Hán là chỉ Tư đồ, Tư mã, Tư không), Đại tướng quân, Phiêu kị tướng quân, Vệ tướng quân có thể được mở mộ phủ. Theo quan chế đời Tống, chức Khai phủ Nghi đồng Tam ti có hàm Tòng nhất phẩm. [Theo: Tống sử - Quan chức chí 8 宋史·職官志八].

 

  • Từ khóa :
Tin mới