Gmail

Fanpage

Liên hệ

image banner
     
image banner
image banner
image banner
Ngày Du lịch thế giới 2023: Ninh Bình phát triển “du lịch xanh” để hướng tới phát triển du lịch bền vững

Du lịch được coi là một ngành đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Phát triển du lịch bền vững được áp dụng cho tất cả cho các điểm đến. Để phát triển du lịch bền bững, cần hướng tới việc sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên xanh, duy trì quá trình sinh thái thiết yếu, giúp bảo tồn di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học. Bên cạnh đó là việc tôn trọng tính xác thực về văn hoá, xã hội của cộng đồng địa phương; bảo tồn di sản văn hoá, giá trị truyền thống các nền văn hoá.

Ninh Bình là vùng đất ẩn chứa những điều mới lạ, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Không chỉ có phong cảnh đẹp cuốn hút cùng bề dày văn hoá lịch sử truyền thống mà Ninh Bình còn có hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Đối với Ninh Bình, phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch xanh luôn là một định hướng quan trọng trong các chiến lược, đề án của ngành du lịch. Ninh Bình đã và đang nỗ lực bảo vệ và phát huy các giá trị trên các mặt văn hoá và thiên nhiên, hướng tới “du lịch xanh” và phát triển du lịch một cách bền vững với những phương châm, định hướng bứt phát trong thời gian tới.

Phát triển “du lịch xanh” gắn với bảo vệ môi trường sinh thái

Ninh Bình được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, độc đáo và sở hữu di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, nguồn tài sản vô giá để phát triển du lịch. Do đó, để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới cần gắn khai thác với bảo tồn tính đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị văn hoá.

Hiểu được điều này, tỉnh Ninh Bình đã ban hành các văn bản cụ thể như: Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; Quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản; các văn bản về việc tăng cường quản lý, bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, các sở, ngành, chính quyền các địa phương trong khu di sản và Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An thường xuyên tuần tra, giám sát, kịp thời phát hiện xử lý và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo tồn di sản.

Vì thế, cảnh quan môi trường tại các khu, điểm du lịch luôn được đảm bảo. Quy trình xử lý rác thải luôn được chú trọng và đạt chuẩn. Định kỳ đánh giá tác động môi trường tại các khu, điểm. Nghiên cứu các giải pháp để phù hợp với khả năng chịu tải của tài nguyên và môi trường, giảm thiểu tối đa những tác hại từ các hoạt động du lịch đến di sản thiên nhiên và văn hoá tại địa phương. Các yếu tố gây ô nhiễm môi trường từ các hoạt động du lịch và đời sống dân sinh như nước thải, rác thải đều được xử lý triệt để; hệ thống các hang động, rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt; các hành động săn bắt động vật hoang dã hay khai thác đá được chấm dứt hoàn toàn, từ đó hệ sinh thái tự nhiên không bị phá huỷ mà ngày càng phát triển, góp phần quan trọng xây dựng hình ảnh môi trường tự nhiên luôn đa dạng, tràn đầy sức sống.

Lấy cộng đồng làm trung tâm bảo vệ giá trị thiên nhiên và văn hoá

“Du lịch xanh” dựa vào sự giàu có của tự nhiên, văn hoá nhưng đồng thời cần có sự chung tay, đóng góp của cộng đồng và du khách để bảo vệ và phát triền tài nguyên du lịch tại địa phương.

Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An là một di sản “sống”. Đây là nơi sinh sống của trên 44.000 người dân, trong đó vùng lõi có trên 14.000 người. Do đó, việc quản lý, bảo vệ Di sản và phát triển du lịch luôn đặt ra thách thức lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, người dân cần nâng cao nhận thức trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Quần thể danh thắng Tràng An để luôn đảm bảo thoả mãn các yêu cầu của UNESCO. Theo đó, chúng ta tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ nòng cốt như: Tăng cường công tác tuần tra, giám sát và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng, quản lý sử dụng đất đai, kinh doanh dịch vụ lưu trú và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong phạm vi di sản.

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng và lợi ích mà các giá trị thiên nhiên và văn hoá mang lại, các sở, ngành, chính quyền các địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị, các hội thảo, lớp tập huấn để phổ biến các kiến thức pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật trong vùng di sản đến người dân địa phương để họ hiểu đúng các chính sách đã ban hành, hiểu rõ về vai trò và tầm quan trọng của di sản và cùng tham gia quản lý, bảo vệ di sản trước những tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp đến di sản. Song song với đó, có những cơ chế, chính sách cho người dân và doanh nghiệp phát triển kinh tế nhờ những lợi ích mà di sản mang lại. Đây là cơ sở để người dân tự nguyện, tự giác tham gia bảo vệ di sản.

 Đồng thời, tại các khu, điểm du lịch, tuyên truyền bằng hình thức trực quan như: pa-nô, áp phích, khẩu hiệu… để du khách đến tham quan có thể chung tay bảo vệ môi trường, cảnh quan, bảo vệ di sản. Hoặc lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường thông qua những lời giới thiệu thuyết minh của hướng dẫn viên tại điểm như: giới thiệu về các giá trị của điểm đến, thông báo các quy định tại điểm như không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định, sử dụng các dịch vụ du lịch thân thiện.

Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ cho công tác quản lý, bảo tồn di sản. Từ đó nâng cao năng lực quản lý cho các cán bộ chuyên môn phụ trách ở các cấp. Tăng cường trao đổi, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế về nghiên cứu những giá trị nổi bật toàn cầu về văn hoá, địa chất địa mạo, đa dạng sinh học để phục vụ tốt công tác bảo tồn di sản.

“Du lịch xanh” để tạo đà phát triển kinh tế

Du lịch đóng vai trò hạt nhân trong thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Nhờ phát huy và khai thác một cách có hiệu quả những giá trị văn hoá và thiên nhiên, du lịch Ninh Bình những năm qua đã bứt phá, tạo ra những cú hích mạnh mẽ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường giao lưu văn hóa, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân.

Với sự góp mặt của Tràng An sau khi ghi danh là Di sản văn hoá và thiên nghiên thế giới, lượng khách du lịch tới Ninh Bình tăng mạnh, kích thích sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ du lịch, đặc biệt là hoạt động lưu trú và ăn uống, trong đó có nhiều mô hình lưu trú nhà dân; bên cạnh đó là sự tham gia lao động trực tiếp tại các điểm tham quan di sản, phần lớn là lực lượng lao động nữ phục vụ khách du lịch như chèo thuyền. Điều này đã góp phần cải thiện đáng kể thu nhập cho cộng đồng dân cư. Số lao động trực tiếp trong khu di sản đạt trên 10.000 người, lao động gián tiếp đạt 20.000 người. Thu nhập của dân cư địa phương tại các khu, điểm du lịch tăng lên dần, bình quân đầu người khoảng 5 triệu đồng/tháng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ khoảng 15% năm 2010 xuống còn dưới 3% năm 2019. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ dân cư địa phương hài lòng với sự phát triển du lịch về khía cạnh kinh tế chiếm tới 96%. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Quần thể danh thắng Tràng An đón khoảng 3.244.105 lượt khách thăm quan, đạt gần 144% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu ước đạt hơn 2.8 tỷ đồng, đạt 160% so với cùng kỳ năm trước.

Việc lựa chọn “du lịch xanh” là lựa chọn tất yếu, phù hợp với định hướng phát triển mới của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2030 và phù hợp với chủ đề của Ngày Du lịch Thế giới năm 2023 là “Du lịch và Đầu tư xanh”.

Tin bài: Linh Linh

  • Từ khóa :
Tin mới