Những ngày cận kề Tết Giáp Thìn, chúng tôi có dịp đến thăm chị Đỗ Thị Tuyền, người đã có 20 năm gắn bó với công việc lái đò tại Khu du lịch sinh thái Tràng An. Chị Tuyền nhớ lại: "Từ năm 2004, khi Khu du lịch sinh thái Tràng An mới đang trong quá trình xây dựng với hơn chục chiếc thuyền, tôi là người chở các đoàn khảo sát, công nhân đi làm ở khu du lịch. Đến nay, vừa tròn 20 năm tôi gắn bó với nghề lái đò cũng là 20 năm chứng kiến sự đổi thay của du lịch quê hương.
Đặc biệt, từ năm 2014, khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, thì ở đây đón rất nhiều khách đến tham quan. Chúng tôi ai cũng vui và tự hào khi quê hương từng ngày phát triển, được nhiều du khách yêu mến và biết đến Ninh Bình…".
Theo chị Tuyền, du lịch phát triển không chỉ giúp chị có việc làm, thu nhập ổn định mà mỗi ngày chị đều được gặp gỡ, trò chuyện với du khách khắp nơi. Từ một phụ nữ nghèo vốn chỉ quen với ruộng đồng, chân lấm tay bùn, giờ đây chị đã có cuộc sống khấm khá hơn. Chị khoe vừa kịp sửa lại ngôi nhà hai tầng để đón Tết-mà phần lớn kinh phí do chị dành dụm được từ những chuyến đò trên bến Tràng An. Từ người vốn trầm tính, ít nói, giờ đây chị Tuyền đã khác, chị thường xuyên ngâm thơ, kể chuyện, thậm chí là nói những câu tiếng Anh cơ bản với khách nước ngoài. Điều gì đã làm nên sự thay đổi ấy nếu không phải là du lịch? 10 năm qua, chị Tuyền luôn hãnh diện khi có ai đó hỏi về di sản quê hương.
Những năm qua, không chỉ chị Tuyền mà hàng chục nghìn lao động tại các xã Trường Yên, Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh Xuân, Gia Sinh… đã có cuộc sống ổn định, thu nhập khá hơn, đời sống tinh thần được nâng cao nhờ du lịch phát triển.
Chỉ tính riêng tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, hiện đang tạo việc làm cho 1.300 lái đò, với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/ tháng, chủ yếu là phụ nữ từ 45-60 tuổi. Việc Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất khu vực Đông Nam Á đã trở thành dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển du lịch của tỉnh.
Trải qua 10 năm, Di sản Tràng An vẫn kiêu hãnh giữa trập trùng non xanh thủy tú; là niềm tự hào, vinh dự trong lòng mỗi người dân Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt, danh hiệu cao quý này đã tạo thế và lực mới cho sự phát triển, từng bước đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tính đến hết năm 2023, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, trong đó khu vực dịch vụ chiếm 47,1%; khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 42,7%; khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 10,2%.
Ông Bùi Việt Thắng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An (Sở Du lịch) cho biết: Ngay sau khi đón nhận danh hiệu Di sản thế giới, để tiếp tục khẳng định những cam kết, trách nhiệm quản lý, bảo tồn, tôn tạo, giới thiệu và chuyển giao Di sản cho các thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới, trên nguyên tắc hài hòa giữa bảo tồn gắn với phát huy giá trị của di sản, góp phần phát triển du lịch, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển du lịch bền vững gắn với đảm bảo sinh kế cho người dân. Từ đó làm thay đổi diện mạo của các địa phương trong khu di sản, chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch. Nhờ đó, nhiều nghề thủ công truyền thống được khôi phục, nhiều ngành nghề mới được phát triển, tạo việc làm ổn định cho người dân.
Trong 10 năm qua, số lượng du khách đến tham quan tại Quần thể danh thắng Tràng An ngày càng tăng, đặc biệt là khách quốc tế. Ý thức bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị di sản được nâng lên rõ rệt; an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hạ tầng du lịch được đảm bảo và duy trì; văn hóa, văn minh du lịch được nâng lên; chất lượng nguồn nhân lực và công tác phục vụ, đón tiếp khách dần chuyên nghiệp hơn.
Ngoài ra, công tác quảng bá xúc tiến du lịch được chú trọng, lấy giá trị văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên độc đáo để tạo dựng hình ảnh và thương hiệu của du lịch. Danh hiệu di sản đóng vai trò là hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch trong toàn tỉnh, khẳng định được vị trí của du lịch Ninh Bình trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.
Nhờ thực hiện tốt công tác bảo tồn giá trị di sản gắn với phát triển bền vững, 10 năm qua, Ninh Bình đã được nhiều chuyên trang du lịch quốc tế uy tín bình chọn, nhắc đến như: Tốp 10 vùng đất thân thiện nhất thế giới, tốp 10 địa điểm nghỉ dưỡng cho gia đình tốt nhất thế giới, một trong 23 điểm du lịch tuyệt vời nhất năm 2023.
Đặc biệt, Tổng Giám đốc UNESCO nhận định: "Đây là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững". Những danh hiệu, ghi nhận trên không chỉ khẳng định sự nỗ lực, công lao gìn giữ và phát huy giá trị di sản của các thế hệ lãnh đạo và người dân Ninh Bình, mà còn là động lực để Ninh Bình tiếp tục vươn mình mạnh mẽ, đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, tiến tới xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ trong tương lai...
Nguồn: baoninhbinh.org.vn