Hội thảo Quốc tế “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An”
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Đại diện Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia; Viện nghiên cứu; các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn và phát triển tại Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp và các tỉnh có Di sản Thế giới tại Việt Nam.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy; lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh, đại diện Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, UBND một số xã trong vùng Di sản; đại diện các doanh nghiệp khai thác du lịch; hộ gia đình đang sinh sống trong nhà truyền thống trong vùng Di sản cùng các cơ quan thông tấn, báo chí đến ghi hình và đưa tin.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh Ninh Bình là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn được nhiều du khách trong nước và quốc tế lựa chọn để thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng và khám phá. Đây là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Và trong đó, Quần thể danh thắng Tràng An là kho chứa đựng những thông tin nguyên vẹn về truyền thống cư trú của loài người qua hàng ngàn năm biến đổi địa chất, địa mạo cùng quá trình thích ứng và tiến hóa của con người, là nơi lưu giữ những bản sắc văn hóa dân tộc, cội nguồn kiến trúc truyền thống. Hội thảo khoa học quốc tế “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An” sẽ góp phần quan trọng trong việc nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống trong vùng di sản, tạo sự hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch mới để phát triển du lịch. Đồng chí mong muốn trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm của các Bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học để Ninh Bình ngày càng phát huy tiềm năng, thế mạnh trở thành trung tâm du lịch của cả nước.

Đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND phát biểu tại hội thảo
Trình bày Báo cáo Đề dẫn “Tạo lập giá trị quần thể danh thắng Tràng An từ mạch nguồn truyền thống” TS. Bùi Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch nêu rõ Tràng An là thí dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn lịch sử chính của Trái đất, bao gồm cả tiến trình phát triển sự sống, những quá trình địa chất quan trọng đang hình thành nên các dạng địa hình, các đặc điểm địa mạo hoặc sơn văn nổi bật. Chính vì vậy, Di sản Tràng An có tính đa dạng về thành phần, công năng sử dụng và nhu cầu bảo tồn cho các loại hình, đối tượng khác nhau. Đây là Khu di sản có quy mô rộng lớn bao trùm trong đó là quỹ di tích, các công trình lịch sử - văn hóa ghi dấu ấn qua các triều đại; các nhà ở truyền thống trong các làng, làng nghề còn lưu giữ lại thói quen sinh kế lâu đời của người dân, là nguồn tài nguyên cần nhận diện, bảo tồn và khai thác gắn với phát triển du lịch bền vững.

TS. Bùi Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch trình bày Báo cáo Đề dẫn “Tạo lập giá trị quần thể danh thắng Tràng An từ mạch nguồn truyền thống” tại hội thảo
Hội thảo tập trung thảo luận các nội dung chính: Một là, Nhận diện, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống tại Di sản; Kinh nghiệm trên thế giới và tại Việt Nam. Hai là: Xây dựng tiêu chí đưa vào danh mục công trình kiến trúc cần bảo vệ và định hướng phát huy giá trị nhà ở truyền thống, không gian kiến trúc trong vùng Di sản.
Tại Phiên họp thứ nhất, Hội thảo đã nhận được 6 bài tham luận tập trung vào vấn đề nhận diện, bảo tồn kiến trức nhà ở truyền thống tại di sản. Qua đó đánh giá cao vai trò, giá trị của các làng truyền thống trong vùng lõi di sản, bảo tồn kiến trúc truyền thống để tạo lập tiềm năng khai thác du lịch. Cũng tại phiên họp này, hội thảo đã được nghe chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế về quảng bá và phát huy giá trị di sản nông thôn tại Vùng Ile-de-France (Pháp) của TS.KTS. Emmanuel Cerise.
Tại Phiên họp thứ hai, các ý kiến tham luận đưa ra các vấn đề về Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tiềm năng di sản kiến trúc nhà ở truyền thống (vận dụng cho vùng lõi di sản thế giới Tràng An); Xây dựng bộ nguyên tắc (tái) phát triển bền vững kiến trúc cảnh quan làng truyền thống trong vùng di sản thế giới quần thể danh thắng Tràng An; Sử dụng GIS trong quản lý di tích và các công trình kiến trúc có giá trị trong vùng di sản; Tái tạo và tái sử dụng ngôi nhà truyền thống 'Kominka' (Nhà ở bằng gỗ truyền thống cũ) ở Nhật Bản.
Quang cảnh Hội thảo
Quần thể danh thắng Tràng An là nơi hội tụ các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, cảnh quan và văn hóa. Việc bảo tồn nhà cổ, giữ gìn kiến trúc làng quê truyền thống đảm bảo hài hòa với cảnh quan khu Di sản là rất cần thiết và cần được khuyến khích. Do đó, hội thảo đã thảo luận và đưa ra các giải pháp: Một là: Khuyến khích bảo tồn nhà cổ, gìn giữ làng quê truyền thống. Hai là: Giữ gìn môi trường định cư truyền thống và tạo sinh kế cho người dân trong vùng di sản. Ba là: Xây dựng tiêu chí và hồ sơ nhà cổ vùng lõi di sản Tràng An, lồng ghép trong Quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và thiên nhiên Quần thể danh thắng Tràng An.
Hội thảo “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản văn hoá và thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An” được tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, nâng cao hiệu quả trong quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị của Di sản; tiếp tục nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống; phát huy giá trị cảnh quan và cấu trúc làng truyền thống trong vùng lõi Di sản Tràng An góp phần phát triển du lịch bền vững. Đây cũng là diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp, ý tưởng, đề xuất chính sách nhằm nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống, phát huy giá trị cảnh quan và cấu trúc làng truyền thống trong vùng Di sản. Kết quả của Hội thảo là căn cứ để xây dựng tiêu chí, lập danh mục các nhà ở truyền thống trong khu vực vùng lõi Di sản, đề xuất cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa nông thôn làm cơ sở cho việc áp dụng các chính sách hỗ trợ bảo tồn và khai thác nhà ở có kiến trúc truyền thống phục vụ phát triển du lịch trong Khu Di sản nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung.
Tin bài: Phòng Hợp tác Đối ngoại.