Gmail

Fanpage

Liên hệ

image banner
     
image banner
image banner
image banner
Đa dạng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ góp phần quảng bá và phát triển du lịch Ninh Bình
Ninh Bình hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế không chỉ bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, độc đáo với những di tích lịch sử hào hùng mà còn có nhiều làng nghề truyền thống và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc. Ninh Bình hiện có 245 làng nghề, trong đó có 54 làng nghề cấp tỉnh góp phần mang lại giá trị kinh tế cho các hộ gia đình và các cơ sở làng nghề. Một số làng nghề tiêu biểu được du khách biết đến như làng nghề thêu ren Văn Lâm, chạm khắc đá Ninh Vân, nghề gốm Bồ Bát, nghề mộc Phúc Lộc, nghề cói Kim Sơn,...

Bằng đôi bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo không ngừng, những người nghệ nhân Ninh Bình đã tạo ra được nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ giàu giá trị và mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, phù hợp và đáp ứng nhu cầu thị trường. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề không chỉ góp phần phát triển các sản phẩm du lịch mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Sản phẩm thêu ren Văn Lâm

Tiếp nối truyền thống của cha ông, những năm gần đây làng nghề thêu ren Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư không chỉ chú trọng đến các sản phẩm thêu theo đơn hàng phục vụ trong nước và xuất khẩu mà còn tập trung làm hàng lưu niệm, quà tặng phục vụ khách du lịch như các loại túi, ví, áo váy, thời trang thêu tay, tranh thêu phong cảnh với nhiều kích thước, dễ vận chuyển phù hợp với nhu cầu của người dân và khách du lịch. Bằng những sợi chỉ mảnh cùng những miếng vải rộng, hẹp, đủ màu sắc, qua đôi bàn tay khéo léo, người thêu ren đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sống động được du khách trong nước và quốc tế rất ưa chuộng.

anh tin bai

Sản phẩm tranh lá bồ đề

Cây bồ đề được xem là biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo. Tận dụng thế mạnh vùng nguyên liệu, người dân xã Gia Sinh – Gia Viễn – Ninh Bình đã nghiên cứu, sáng tạo và biến những chiếc lá bồ đề thành các sản phẩm nghệ thuật có ý nghĩa tâm linh. Những bức tranh lá bồ đề của Hợp tác xã Sinh Dược đã được tỉnh Ninh Bình cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

 

Để tạo ra những tác phẩm từ lá bồ đề, các xã viên của HTX Sinh Dược phải thu hoạch lá vào khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm. Đây là thời điểm có nhiều lá già với phần gân dẻo dai, đạt chất lượng tốt nhất để sơ chế. Sau thu hoạch, lá được ngâm trong nước vôi từ khoảng 2 tháng để phần thịt phân hủy. Tiếp đó sẽ dùng bàn chải chà sạch phần thịt lá, chỉ giữ lại phần xương lá mỏng manh. Sau khi phơi khô nhẹ, để lá được bền và đẹp, mỗi chiếc lá thường sẽ được phủ lên 1 lớp sơn nhũ và bột nghệ để tạo nên độ vàng óng cho chiếc lá.Tất cả công đoạn trên đều được thực hiện thủ công, tránh cho lá bị rách. Những chiếc lá bồ đề đã sơ chế sẽ được đính kết để tạo thành các bức tranh tinh xảo.

 

anh tin bai

 

Các tác phẩm tranh lá bồ đề đa phần gắn với chủ đề Phật giáo, gửi gắm những thông điệp ý nghĩa, hàm chứa những triết lý sâu xa của nhà Phật. Nhờ sự tỉ mỉ, kỹ càng đến từng chi tiết, những nghệ nhân ở HTX Sinh Dược đã tạo nên những tác phẩm độc đáo có giá trị thẩm mỹ và văn hóa, góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch cho tỉnh Ninh Bình.

 

Sản phẩm cói Kim Sơn

 

Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, làng nghề chiếu cói Kim Sơn ngày càng thể hiện được vị thế của mình và tồn tại, phát triển cho tới ngày nay. Các sản phẩm nơi đây vô cùng đa dạng về mẫu mã và màu sắc hoa văn vô cùng bắt mắt.

Sản phẩm cói mỹ nghệ của Kim Sơn được thị trường, nhất là thị trường nước ngoài ưa chuộng vì là sản phẩm được làm bằng nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường, bền đẹp, đa dạng về kiểu dáng và màu sắc, giá thành lại rẻ. Để có một sản phẩm cói mỹ nghệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là cả một quy trình công phu, tỉ mỉ và chính xác từ trồng cói, thu hoạch, chẻ cói, phơi khô, nhuộm cói, đan và hoàn thiện sản phẩm.

anh tin bai

Sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng khi tới tay người tiêu dùng khi sử dụng keo polyascera phủ lên bề mặt sản phẩm vừa giúp định hình kiểu dáng, vừa nâng cao khả năng chống mốc, chống ẩm cho sản phẩm. Các sản phẩm từ cói rất đa dạng như: chiếu, hộp đựng đồ nữ trang, túi xách, dép, giỏ, hộp đựng đồ, mũ, bình hoa… 

Sản phẩm gốm bồ bát

 

Gốm Bồ Bát đã có hàng ngàn năm lịch sử và là nguồn gốc của gốm Bát Tràng ngày nay. Làng gốm Bồ Bát xưa nổi danh với những sản phẩm gốm sứ phục vụ tiêu dùng và xây dựng. Các sản phẩm chủ yếu là: chén, bát, đĩa, bình hoa, chuông gió, tranh gốm mỹ nghệ, tượng gốm nghệ thuật được trang trí bằng những họa tiết thổ cẩm hoa văn và được vẽ bằng men màu rất độc đáo.

 

Làng gốm cổ Bồ Bát nay là làng Bạch Liên, thuộc xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Nơi đây có loại đất sét Bồ Di còn gọi là đất non sương rất quý hiếm. Loại đất này có đặc điểm tạo nên dòng men trắng, chỉ cần nung 50-70% thời gian so với các loại đất khác nhưng vẫn bảo đảm chất lượng về độ mịn, cứng, sau khi nung sản phẩm ít bị nứt, vỡ hơn so với các loại đất sét khác.

 

anh tin bai

 

Hiện nay, cùng với sự phát triển của du lịch Ninh Bình, các sản phẩm gốm Bồ Bát đa dạng về mẫu mã và tinh xảo về chất lượng, trở thành hàng quà lưu niệm phát triển du lịch. Từ những vật dụng sinh hoạt hàng ngày như ấm chén, bát đĩa, lọ hoa… đến những sản phẩm trang trí như chuông gió, vòng cổ, tranh gốm mỹ thuật, qua sự khéo léo và tinh tế của những nghệ nhân làm gốm đã thổi hồn cho các sản phẩm mang nét chấm phá ấn tượng của vùng non nước Ninh Bình.

 

Sản phẩm gốm Gia Thủy

 

Kế thừa những tinh hoa của nghệ thuật tạo hình, nét đặc trưng nền văn hóa của một vùng đất, nghệ nhân làng gốm Gia Thủy đã tạo ra những sản phẩm gốm không chỉ phục vụ cho cuộc sống đời thường mà còn tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của địa phương.

 

Nét đặc trưng của gốm Gia Thủy được làm từ nguyên liệu đất sét có màu nâu vàng, đây là nguyên liệu có sẵn tại địa phương và chỉ tại làng nghề mới có. Loại đất này có độ kết dính cao, mịn và chịu nhiệt tốt. Đất khi lấy về sẽ được phơi khô, đập nhỏ rồi cho vào bể ngâm. Sau đó, dùng máy quấy đều rồi mục lọc qua sàng; gạn bớt nước phía trên, lấy phần đất đông đặc rồi mang phơi khô, đến khi đất đủ độ dẻo là mang ra làm được. Để ra một sản phẩm đẹp, chất lượng thì công đoạn nung sản phẩm đóng vai trò quyết định. Nếu trong quá trình nung, thợ không điều chỉnh lửa, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp thì sản phẩm sẽ vong, vênh hoặc rạn. Một sản phẩm gốm hoàn chỉnh đến tay người tiêu dùng cần có nhiều công đoạn và công đoạn nào cũng quan trọng như nhau.

 

anh tin bai

 

Qua những sản phẩm truyền thống của làng gốm Gia Thủy như nồi, chum, vại, chén, đĩa với các hoa văn, phong cảnh làng quê Việt… người ta không chỉ thấy sự điêu luyện, khéo léo của người thợ lành nghề mà còn cảm nhận được sự tinh tế của bao thế hệ nghệ nhân được cô đọng trong từng đường nét của sản phẩm. Có lẽ chính vì thế mà những sản phẩm gốm Gia Thủy tạo được những nét riêng biệt, được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

 

Sản phẩm chạm khắc đá Ninh Vân

 

Làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm được chạm khắc tinh xảo và độ chính xác cao. Từ những hòn đá xù xì, qua bàn tay của các người thợ chạm khắc đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Sản phẩm chạm khắc đá nơi đây bao gồm các loại: tượng, chậu hoa, chim thú, bể cảnh, bàn, ghế, sập, hương án, ngai, cầu, cổng, ngưỡng cửa, xà nhà, tượng đài… Tất cả các sản phẩm đèu được chạm khắc sống động, đường nét tao nhã, uyển chuyển, mềm mại bởi đôi bàn tay và khối óc của các nghệ nhân. Các sản phẩm đá mỹ nghệ Ninh Vân không chỉ được người dân tỉnh Ninh Bình ưa chuộng mà còn được đưa tới mọi miền đất nước.

 

anh tin bai

 

Sản phẩm mộc Phúc Lộc

 

Làng nghề Phúc Lộc thuộc phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình là một làng nghề truyền thống nổi tiếng chuyên sản xuất các sản phẩm gia dụng và mỹ nghệ bằng gỗ. Những sản phẩm mộc chủ yếu là đồ gia dụng được trạm trổ tinh xảo như cửa, bàn, ghế, tủ, sập, hàng trang trí nội thất… luôn được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và lựa chọn.

 

anh tin bai

Ninh Bình là vùng đất có nhiều lợi thế để phát triển du lịch: nguồn tài nguyên du lịch phong phú, văn hóa lịch sử hào hùng, các lễ hội đặc sắc ngày càng hấp dẫn và thu hút du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, có rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ nổi tiếng như thêu ren Văn Lâm, tranh lá bồ đề, cói Kim Sơn, chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân… Tuy nhiên, nhìn vào thị thường sản phẩm đồ lưu niệm có thể thấy chưa tương xứng với tiềm năng và sự phát triển của du lịch. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa phần được làm ra để xuất khẩu, chưa có sản phẩm hàng lưu niệm đặc trưng. Do đó, cần thổi hồn vào các sản phẩm để trở thành những sản phẩm mỹ thuật mang tính thẩm mỹ cao và mang đậm nét riêng của vùng đất cố đô Ninh Bình.

 Thực hiện Kế hoạch số 02/KH-UBND, ngày 15/01/2024, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội thảo “Phát triển các sản phẩm cho thị trường quà lưu niệm, quà tặng du lịch mang tính chuyên nghiệp, độc đáo, bản sắc địa phương miền Cố đô” nhằm đưa ra các giải pháp phát triển sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm phục vụ khách du lịch đến Ninh Bình trong thời gian tới (gồm mẫu mã, chất liệu và công nghệ sản xuất), đảm bảo có chất lượng cao, mang tính chuyên nghiệp, độc đáo, bản sắc địa phương phù hợp với thị hiếu khách du lịch, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình đến bạn bè trong nước và quốc tế. Hội thảo sẽ phân tích, đánh giá thực trạng về chất lượng và tình hình sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh, qua đó xác định những ưu điểm cần phát huy và những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, góp phần tích cực phát triển các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch tại Ninh Bình.

Tin bài: Linh Linh

  • Từ khóa :
Tin mới