CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 10 NĂM QUẦN THỂ DANH THẮNG TRÀNG AN ĐƯỢC UNESCO GHI DANH LÀ DI SẢN VĂN HÓA VÀ THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI (2014-2024)
Quần thể danh thắng Tràng An nổi bật bởi vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ, cùng với bản sắc văn hóa truyền thống được gìn giữ và lưu truyền qua hàng ngàn năm lịch sử của cư dân địa phương. Đặc biệt hơn nữa, nơi đây được ghi nhận là kho thông tin nguyên vẹn về truyền thống cư trú của loài người, truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục và kéo dài hơn 30.000 năm lịch sử. Lịch sử văn hoá liên tục và tương đối dài có mối quan hệ chặt chẽ với tiến hoá địa chất gần đây của khối karst đá vôi Tràng An. Quần thể danh thắng Tràng An là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cảnh quan cũng như giữa thiên nhiên và con người. Đây là kho tàng chứa đựng các đặc điểm vàng son của lịch sử và truyền thống dân tộc được cha ông ta từ ngàn đời truyền lại, nơi che chở kinh đô đầu tiên của nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ X và là Hành Cung của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông vào thế kỷ XIII. Do đó, nơi đây chứa đựng nhiều di tích lịch sử, tôn giáo nổi tiếng, thể hiện thành các giá trị thiên nhiên và văn hóa độc đáo để cùng nhau hoà quyện, thăng hoa và nâng cao giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản.
Sau 10 năm kể từ thời điểm được ghi danh, công tác quản lý, khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị Quần thể danh thắng Tràng An luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ có hiệu quả từ các Bộ, ngành, các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
Các giá trị nổi bật toàn cầu và giá trị khác của Di sản được tôn trọng và gìn giữ, nhận thức của chính quyền địa phương và cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của Di sản được nâng lên rõ rệt, công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh; công tác xúc tiến, quảng bá, diễn giải các giá trị của Di sản gắn với phát triển du lịch thường xuyên được đổi mới; các khu, điểm du lịch trong khu Di sản đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân, thúc đẩy phát triển du lịch trên toàn tỉnh Ninh Bình. Đặc biệt vai trò và sự tham gia của cộng đồng dân cư trong công tác bảo tồn Di sản có chuyển biến tích cực; các hoạt động du lịch, sinh kế được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng đã từng bước được nâng lên. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững đã phát huy sức sống, tiềm năng và giá trị Di sản để thực sự Di sản là của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ và gìn giữ.
Các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (2014 - 2024)
Nhằm tôn vinh, quảng bá và lan toả các giá trị của Di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, hướng tới xây dựng thành phố Hoa Lư trở thành Đô thị Di sản thiên niên kỷ; đồng thời đánh giá các thành tựu nổi bật trong 10 năm qua, đề ra các chủ trương, giải pháp để quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản trong thời gian tới, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 22/12/2023 về việc tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới (2014 - 2024). Các hoạt động kỷ niệm, gồm:
1. Lễ Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới (2014 - 2024)
- Thời gian: Dự kiến diễn ra vào 20h00, thứ Sáu, ngày 26/4/2024.
- Địa điểm: Tại Quần thể danh thắng Tràng An.
Đây là sự kiện chính tôn vinh các thành tựu, những đóng góp của các tổ chức và cá nhân trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản; lan toả các giá trị của Di sản, truyền cảm hứng và nhiệt huyết cho thế hệ trẻ, tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc để hiểu, để biết, để trân trọng và tự hào về vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử, về vị trí và tầm quan trọng của Di sản đối với quốc gia, dân tộc và thế giới.
Dự kiến Lễ Kỷ niệm dự kiến sẽ thu hút trên 5000 người tham gia và được truyền hình trực tiếp trên các kênh sóng của VTV và các nền tảng số.
2. Lễ hội Tết xưa
Dự kiến diễn ra tại khu Phố cổ Hoa Lư, thành phố Ninh Bình vào cuối tháng 01, đầu tháng 02/2024 (Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn). Đây là sự kiện kết nối cội nguồn, nhìn vào hiện tại và hướng tới tương lai, mang lại sự hứng khởi và kỳ vọng về một năm mới hạnh phúc, sức khoẻ và thành công cùng chặng đường 10 năm của Di sản Tràng An
3. Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề “Phát huy vai trò, giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản UNESCO”.
Hội thảo được tổ chức vào tháng 04/2024 (vào dịp tổ chức Lễ kỷ niệm). Hội thảo nhằm đánh giá các kết quả đã đạt được trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản. Xác định vị trí, vai trò của Di sản trong xây dựng Đô thị Di sản Thiên niên kỷ chứa Di sản thế giới. Đây không chỉ là việc bảo tồn mà còn là chiến lược phát triển toàn diện, kết hợp giữa văn hóa, du lịch, giáo dục và kinh tế. Kết nối Tràng An với các thành phố di sản UNESCO giúp tạo ra một mạng lưới hợp tác quốc tế, góp phần chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và thực hành tốt nhất trong việc quản lý và bảo tồn Di sản.
4. Tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Hành cung Vũ Lâm trong quá trình hình thành và phát triển tư tưởng phật giáo Trúc Lâm - Yên Tử của Trần Nhân Tông và giá trị lịch sử, văn hoá của bức họa ‘Trúc Lâm đại sỹ xuất Sơn Đồ”
Hội thảo dự kiến vào tháng 8/2024 tại Khách sạn Bái Đính. Hội thảo nhằm khẳng định vai trò của Hành Cung Vũ Lâm (nằm trong Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An) gắn với quá trình hình thành và phát triển Tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm – Yên Tử, những ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến văn hoá và tư tưởng con người Việt Nam. Đây không chỉ là một phần quan trọng trong lịch sử Phật giáo mà còn là một Di sản tinh thần giá trị, làm phong phú bản sắc văn hoá Việt Nam nói chung và làm giàu các giá trị của Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An nói riêng.
5. Tổ chức không gian trưng bày khảo cổ về các giá trị văn hoá của tỉnh và Quần thể danh thắng Tràng An; hình ảnh về 9 khu Di sản Thế giới tại Việt Nam và tọa đàm về phát triển sản phẩm du lịch khảo cổ học.
Dự kiến vào tháng 04/2023 tại Khu dịch vụ du lịch gần bến thuyền Tràng An. Không gian trưng bày nhằm giới thiệu và diễn giải các giá trị văn hoá nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An, quá trình định cư của con người thời tiền sử, quá trình thích ứng với những biến đổi về khí hậu, địa chất, môi trường và cảnh quan của Di sản cũng như các giá trị văn hóa - lịch sử của vùng đất Cố đô Hoa Lư vang bóng trời Nam. Đồng thời, đây là dịp để giao lưu văn hoá và tăng cường kết nối giữa các Di sản Thế giới tại Việt Nam.
6. Tổ chức Tuần Du lịch Ninh Bình “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An”
Sự kiện này sẽ được tổ chức vào cuối tháng 05, đầu tháng 6/2024, dịp mà cánh đồng lúa Tam Cốc dần chuyển sang màu vàng. Đây là sự kiện thường niên để quảng bá về vẻ đẹp quyễn rũ của cánh đồng lúa Tam Cốc, các giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch của tỉnh, các giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An, góp phần kích cầu Du lịch mùa thấp điểm, đồng thời tiếp tục khẳng định Ninh Bình là điểm đến an toàn, thân thiện và mến khách.
7. Tổ chức Liên hoan văn hóa ẩm thực du lịch toàn quốc
Thời gian tổ chức dự kiến vào tháng 04/2024 tại Phố cổ Hoa Lư. Liên hoan là cơ hội để các vùng miền, các tỉnh thành quảng bá văn hóa đặc sắc và ẩm thực truyền thống của mình. Điều này giúp du khách hiểu rõ hơn về đa dạng văn hóa và phong phú ẩm thực của cả nước. Đồng thời đây là dịp để các vùng miền trao đổi, học hỏi lẫn nhau về văn hóa và kỹ thuật ẩm thực, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa đa dạng của Việt Nam, tạo điểm nhấn thu hút du khách, cả trong nước và quốc tế, thúc đẩy ngành du lịch phát triển.
8. Tổ chức cuộc thi báo chí viết về đề tài bảo tồn, phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An, phát triển du lịch bền vững
Thời gian thực hiện từ tháng 01/2024 đến tháng 9/2024. Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn Di sản, tăng cường sự nhận thức và quan tâm của cộng đồng đối với việc gìn giữ, bảo tồn Di sản, khuyến khích sự tham gia của giới truyền thông, tạo điều kiện cho đổi mới và sáng tạo, kết nối các chuyên gia và người làm Di sản, góp phần phát triển bền vững tại Quần thể danh thắng Tràng An gắn với bảo tồn Di sản văn hoá và tự nhiên.
9. Tổ chức các cuộc thi sáng tác ca khúc, tác phẩm văn học về tỉnh Ninh Bình và Quần thể danh thắng Tràng An
Thời gian thực hiện: Từ tháng 01/2024 đến tháng 6/2024. Các tác phẩm sáng tác về tỉnh Ninh Bình và Quần thể danh thắng Tràng An là công cụ giá trị trong quảng bá hình ảnh, văn hóa, lịch sử và vẻ đẹp tự nhiên của Di sản đến công chúng, cả ở trong nước và quốc tế, giúp tăng cường sự hiểu biết và nhận thức của công chúng về tỉnh Ninh Bình và Quần thể danh thắng Tràng An, qua đó cũng góp phần vào công tác giáo dục văn hóa và lịch sử, bảo vệ cảnh quan, môi trường.
10. Tổ chức trưng bày, triển lãm sinh vật cảnh các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Hồng mở rộng với chủ đề “Tinh hoa Cố đô”
Thời gian diễn ra trong 10 ngày, dự kiến trong tháng 04/2023. Tổ chức trưng bày và triển lãm sinh vật cảnh các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Hồng mở rộng với chủ đề "Tinh hoa Cố đô" giúp quảng bá hình ảnh, văn hóa và đặc trưng du lịch của các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng. Điều này thu hút du khách và tăng cường sự nhận diện văn hóa cho khu vực. Sự kiện này không chỉ giúp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, mà còn góp phần quảng bá du lịch, tạo sân chơi giao lưu văn hóa, khích lệ sáng tạo và tăng cường kinh tế địa phương, đồng thời nâng cao nhận thức về bảo vệ cảnh quan, môi trường, đa dạng sinh học và tôn vinh nghệ thuật sinh vật cảnh.
11. Tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu quà tặng đặc thù của tỉnh gắn với các giá trị di sản và giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích trong khu di sản
Thời gian tổ chức từ tháng 01/2024 đến tháng 6/2024. Cuộc thi mở ra cơ hội cho các nhà thiết kế, nghệ nhân và các cá nhân sáng tạo thể hiện khả năng và tài năng của mình, qua đó tạo ra những sản phẩm mới, độc đáo. giúp quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa và lịch sử của tỉnh Ninh Bình đến với du khách trong và ngoài nước, góp phần nâng cao nhận thức và hình ảnh của Ninh Bình.
Ngoài ra, còn nhiều các hoạt động hưởng ứng lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An do các sở, ngành, địa phương tổ chức.
Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An có thể mang theo nhiều kỳ vọng quan trọng, phản ánh không chỉ tầm quan trọng của Quần thể danh thắng Tràng An mà còn cả sự phát triển và giá trị lịch sử, văn hóa của khu vực này, để thế giới hướng về quần thể danh thắng Tràng An – Di sản hỗn hợp duy nhất của Đông Nam Á, trung tâm của Đô thi Di sản thiên niên kỷ trong tương lai.
Thu Hiền – Phòng Nghiệp vụ nghiên cứu,
Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An