Lễ hội Hoa Lư – nét đẹp văn hóa của vùng đất Ninh Bình
17/04/2024
Lễ hội Hoa Lư – di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được tổ chức hàng năm tại khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của vua Đinh Tiên Hoàng; tôn vinh vị trí, vai trò của nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc; khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hòa, tự tôn dân tộc và tinh thần đoàn kết của các dân tộc Việt nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Từ thời nhà Lý, vùng đất Ninh Bình được gọi là phủ Trường Yên. Tên gọi Trường Yên, Trường An hay Tràng An đều có nghĩa là vùng đất bình yên. Vì vậy, lễ hội lớn nhất vùng đất này cũng mang tên là lễ hội Trường Yên. Tuy nhiên, do địa danh phủ Trường Yên xưa chỉ còn là tên của một xã nên không gian lễ hội đã vượt ra ngoài phạm vi tên gọi. Ngày 21/11/2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký ban hành Quyết định về việc điều chỉnh tên gọi di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội Trường Yên” trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trở thành Lễ Hội Hoa Lư.
Lễ hội Hoa Lư có quy mô lớn nhất vào những năm có số hàng đơn vị là 8 vì tròn năm gắn với sự kiện Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế và lập đô ở Hoa Lư năm 968. Lễ hội có lịch sử lâu đời, phản ánh đậm nét, sinh động cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng và nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam qua ba triều đại Đinh, Lê, Lý. Lễ hội Hoa Lư xưa được các vương triều phong kiến tổ chức trang trọng ở cấp Nhà nước. Hiện nay, Lễ hội Hoa Lư được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh với vị thế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là nơi lưu giữ những yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc, hấp dẫn, trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Cố đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, lễ hội Hoa Lư được tổ chức trang nghiêm gồm 2 phần: phần Lễ và phần Hội. Phần lễ được diễn ra với các nghi lễ truyền thống như: Lễ mở cửa đền, lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ dâng hương, lễ rước kiệu, lễ tiến phẩm, nghi thức Thượng Long, Tế Cửu khúc, tế lễ của các đoàn nam quan, nữ quan, đồng quan, lễ cầu quốc thái dân an, lễ hội hoa đăng và lễ tạ. Phần lễ được tổ chức tôn nghiêm nhằm tôn vinh công đức của các bậc Đế vương và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; đồng thời thể hiện ước nguyện của nhân dân cầu mong Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Phần Hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống và hiện đại, hội trại thanh niên, các hoạt động thể thao, hoạt động trưng bày triển lãm, quảng bá... Các hoạt động diễn ra nhằm phục hồi một số loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian, tạo không khí vui tươi, lành mạnh trong không gian của Lễ hội. Người dân cũng như du khách đến với Lễ hội không chỉ được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn được hòa mình vào không gian vừa trang nghiêm vừa vui tươi của Lễ hội.
Lễ rước nước tại Lễ hội Hoa Lư
Lễ hội Hoa Lư năm nay được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh, diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 17/4 đến ngày 19/4 (tức ngày mùng 9 đến ngày 11/3 Âm lịch) gắn với nhiều hoạt động kỷ niểm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (2014-2024).
Lễ hội Hoa Lư một trong những hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc; quảng bá những nét văn hóa đặc sắc, tiềm năng, thế mạnh du lịch nhằm thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Ninh Bình, góp phần đẩy mạnh, phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.
Tin bài: Linh Linh