KHU TRŨNG- ĐỒNG BÁNG
18/05/2022
Khu Trũng, Đồng Báng thuộc xã Sơn Lai, là điểm di tích cách mạng thuộc Khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, tỉnh Ninh Bình. Đây là nơi ghi đậm dấu ấn của các phong trào cách mạng tại Quỳnh Lưu đồng thời được coi là quê hương của phong trào cách mạng ở Ninh Bình.
Khu Trũng là tên nhân dân gọi một thung lũng ở giữa các quả đồi rộng khoảng 10ha về phía tây nam xã Sơn Lai, huyện Nho Quan. Phía bắc có đồi Sang, tây bắc có đồi Móng Gạch, đồi Dâu, đông nam có đồi Xốc Cảnh, đồi Dẻ, nam có đồi Quỳnh, đồi Chùa, đồi Lác, trên các ngọn đồi này cây cối rậm rạp, ít người qua lại.Từ Khu Trũng có thể sang Phúc Lai, Đồng Báng, sang Lũ Phong, làng Quỳnh, làng Sưa…là những nơi có phong trào trào cách mạng sớm.
Đồng Báng là tên gọi cánh đồng ở phía đông nam của xã Sơn Lai, rộng hàng chục ha sình lầy, lau sậy rậm rạp, có núi non bao bọc. Xưa kia có cây lau, cây búng, cây báng dày đặc, bên ngoài còn có các thung nối với nhau bằng các quèn nhỏ. Từ thung Cái có thung Luồn sang dãy núi Trường Yên của cố đô Hoa Lư lịch sử. Cũng do vị trí đắc địa nên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nơi đây là căn cứ hoạt động của các chiến sỹ cách mạng tập luyện quân sự.
Tại khu Trũng thời kỳ tiền khởi nghĩa, nơi đây được coi như là “quảng trường thu nhỏ” của cách mạng. Nơi đây diễn ra các cuộc mít tinh, diễn thuyết, huấn luận quân sự. Năm 1931 các chiến sỹ cách mạng đã tổ chức mít tinh đòi khuất thuế và giảm sưu thuế, hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Những năm 1940 tổ chức các cuộc mít tinh kêu gọi quần chúng nhân dân ủng hộ Liên xô, ủng hộ Việt Minh, đoàn kết chống đế quốc và tay sai. Trong năm 1943 trung đội tự vệ chiến đấu của Quỳnh Lưu đã được thành lập, lấy khu trũng làm nơi luyện tập và tổ chức các buổi mít tinh, diễn thuyết lớn. Đến năm 1945, phong trào luyện tập quân sự diễn ra sôi nổi, công khai, trung đội giải phóng quân của chiến khu được thành lập tại Khu Trũng. Được đảng bộ và nhân dân nuôi dưỡng trung đội giải phóng quân đã nhanh chóng trở thành đơn vị vũ trang nòng cốt trong công tác xây dựng, huấn luyện và chiến đấu của lực lượng vũ trang toàn tỉnh. Chưa đầy hai tháng kể từ khi thành lập, trung đội giải phóng quân đã lập chiến công lớn trong trận đánh Nhật tại Quỳnh Lưu. Đây là trận đánh đầu tiên của lực lượng vũ trang non trẻ ở Ninh Bình với quân đội nhà nghề của phát xít Nhật. Chiến thắng này đã làm cho thanh thế của Việt Minh, của lực lượng vũ trang Ninh Bình càng thêm lừng lẫy.
Tại khu Đồng Báng do có địa hình hiểm trở nên các chiến sỹ cách mạng đã vận dụng để mở các lớp huấn luyện quân sự. Đầu năm 1943, xứ ủy Bắc Kỳ cử đồng chí Trần Tử Bình về mở lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ liên tỉnh tại Đồng Báng. Học viên phần lớn là những cán bộ đảng viên người Ninh Bình. Đây là lớp huấn luyện quân sự đầu tiên, mở đầu cho phong trào luyện tập quân sự ở khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu. Từ lớp học quân sự ở Đồng Báng, các học viên trở về các thôn xóm mở các lớp huấn luyện cho tự vệ địa phương. Trên cơ sở đó, đội tự vệ chiến đấu của tổng Quỳnh Lưu đã hình thành. Phong trào xây dựng tự vệ phát triển ở nhiều thôn xóm, làm nền tảng cho việc thành lập đội giải phóng quân của chiến khu Quang Trung sau này. Trung đội cứu quốc dân do đồng chí Lương Nhân và Lương Đình Doanh phụ trách. Đơn vị có 3 tiểu đội, một tiểu đội ở Lũ Phong, một tiểu đội ở Sải dưới, một tiểu đội ở thôn Đồi. Địa điểm đóng quân và cũng là hậu cứ của trung đội đặt ở khu Trũng.
Cuối năm 1943, Ban cán sự Đảng tỉnh Ninh Bình đã cho chuyển cơ sở báo in “Hoa Lư” từ Đồi Xưng về Đồng Báng. Tờ báo có nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng và hướng dẫn công tác cho cán bộ đảng viên. Báo “Hoa Lư” góp phần đẩy mạnh phong trào cách mạng ở khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu và tỉnh Ninh Bình.
Khu Trũng - Đồng Báng nằm trong khu khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, tỉnh Ninh Bình là địa danh lịch sử rất quan trọng minh chứng cho một thời kỳ đấu tranh chống quân xâm lược của không chỉ nhân dân Sơn Lai, Quỳnh Lưu mà còn của cả tỉnh Ninh Bình. Cũng chính vì những giá trị đó di tích Khu Trũng - Đồng Báng là di tích cấp quốc gia năm 1997. Khu Trũng - Đồng Báng trong thời hòa bình đồng ruộng được cải tạo, nên đồng lầy có nhiều cây búng báng trước kia, nay đã thành đồng ruộng tốt tươi, lúa ngô xanh mướt, giúp cho đời sống người dân được nâng cao, làng mạc thêm trù phú.
Phòng Nghiệp vụ Nghiên cứu