Gmail

Fanpage

Liên hệ

image banner
     
image banner
image banner
image banner
DI TÍCH NÚI CHÙA AM
Di tích Núi chùa Am hay còn có tên gọi là Thiên Am Tự hay chùa Cổ Am, nằm trên địa bàn thôn Trường Sơn, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, đây là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia (xếp hạng năm 1979) nằm trong vùng bảo vệ đặc biệt của khu di tích Cố đô Hoa lư. 

Di tích gần kề khu dân cư thôn Yên Trung, nằm ở phía tây bắc núi Đìa, là một ngôi chùa cổ kính đã có từ thời nhà Đinh, được xây dựng theo kiểu chùa trong động, tựa lưng vào núi. Chùa có Thượng điện, nhà Tổ, nhà khách, nhà bếp và tháp chuông. Qua cồng tam quan là khoảng sân vườn rộng nhiều cây ăn quả quanh năm như cây mít, cây khế, cây bưởi…Chính điện nằm ẩn trong vòm động đá to (có chiều cao khoảng 2m, dài 10m, rộng 5m), vòm trần động rộng làm thành mái chùa kiên cố. Tiếp giáp với sân chùa bên trái là nhà khách, gồm 5 gian xây dựng quay theo hướng tây. Hai gian bên đốc dùng làm nơi nghỉ ngơi của nhà sư trụ trì. Ba gian giữa làm nơi tiếp đón khách thập phương, nơi hội họp việc trị sự tôn giáo. Trong thời kỳ kháng chiến, di tích là cơ sở hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng đấu tranh bảo vệ tổ quốc. Cũng giống như bao ngôi chùa cổ khác trên đất nước ta, chùa Cổ Am thờ Phật và phối thờ Mẫu. Ngoài ra, chùa có ban thờ các liệt sỹ đã hy sinh tại đây trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. 
 Hàng năm tại di tích diễn ra các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo vào các ngày lễ trọng đại như: Lễ đầu năm cúng Phật cầu nguyện quốc thái dân an, cầu cho dân trong thôn xóm bình an thịnh vượng; Ngày lễ Phật đản dâng hương hoa cho tâm hồn được thanh tịnh; Ngày lễ Vu lan cầu chúng sinh đi theo con đường hướng thiện của Phật pháp từ bi; Các ngày rằm và mùng 1 âm lịch nhân dân đến dâng hương lễ phật.
Các hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh còn giữ lại được ở núi chùa Cổ Am cũng là giúp duy trì thuần phong mỹ tục, lưu giữ truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Mỗi người dân đi lễ được gần gũi với linh thiêng hòa khí lịch sử dân tộc, ước muốn cuộc sống bình an, cầu cho đất nước phồn thịnh. Đó cũng là một nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. 

Phòng Nghiệp vụ Nghiên cứu

  • Từ khóa :
Tin mới