DI TÍCH LĂNG VUA LÊ ĐẠI HÀNH
11/12/2023
Lăng vua Lê Đại Hành nằm dưới chân núi Mã Yên về phía Nam, hai bên có hai
quả núi mà nhân dân gọi là “Long chầu, Hổ phục”, là tay ngai, nên núi còn có
tên chữ là Hoàn Ỷ Sơn. Trong khu vực thành ngoại của Kinh thành Hoa Lư ngày nay
thuộc Thôn Yên Thượng, Xã Trường Yên Huyện Hoa Lư, Tỉnh Ninh Bình.
Lăng vua Lê còn có tên gọi khác nữa theo nhân dân địa phương là Mả Quan. Cách
gọi này có thể xuất phát từ quan niệm của dân gian về vai trò, vị trí (bề tôi)
của Lê Hoàn dưới triều đại vua Đinh Tiên Hoàng, tuy nhiên tên gọi này cổ xưa và
không phổ biến lắm.
Lăng vua Lê thuộc loại hình
di tích mộ táng, theo truyền thống cổ truyền của dân tộc. Theo quan niệm của
người xưa, lăng vua Đinh - vua Lê đều đặt vào nơi được gọi là “huyệt Đế Vương”.
Vua Lê Đại Hành tức Lê Hoàn trước đây là người tài giỏi võ nghệ, phóng
khoáng, có chí lớn. Lê Hoàn gia nhập nghĩa quân Hoa Lư, theo Nam Việt Vương
Đinh Liễn tham dự các trận mạc, đánh dẹp các sứ quân cát cứ, lập nhiều chiến
công. Được vua Đinh Tiên Hoàng trọng là bậc trí dũng và trở thành Thập Đạo tướng
quân dưới triều nhà Đinh. Lê Hoàn cầm quân đuổi giặc Tống, đánh thắng Chiêm Thành, củng
cố bộ máy Nhà nước phong kiến độc lập, thống nhất. Chính quyền cũng chăm lo thi
hành một số biện pháp tích cực cho sự phát triển kinh tế. Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế,
đổi niên hiệu là Thiên Phúc. Có thể nói, dưới triều
vua Lê Đại Hành, Kinh đô Hoa Lư và đất nước Đại Cồ Việt đã có sự phồn thịnh, ổn
định. Về chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao có xu thế phát triển, đánh dấu
những mốc quan trọng. Ông xứng đáng là người đã dẹp yên thù trong, giặc ngoài, tạo
thế mạnh nước nhà và tỏ rõ quền uy với nhà Tống phương bắc.
Năm Ất tỵ 1005, vào tháng ba Vua Lê Đại Hành băng hà ở điện Trường Xuân. Khi
vua Lê mất, quần thần an táng và xây dựng lăng mộ ở
phía tây nam chân núi Mã Yên. Kích thước của lăng nhỏ hơn lăng của vua Đinh
Tiên Hoàng nhưng vẫn chứng tỏ được thế uy nghi của vị đế vương. Phía sau là bia
đá, mặt chính của bia có dòng chữ: "Lê Đại Hành Hoàng Đế lăng" và dòng niên đại của
bia: Minh Mệnh năm thứ 21 (1840). Theo truyền lại trong dân gian, vùng đất
Trường Yên khi xây dựng Kinh đô Hoa Lư, vua Đinh và vua Lê đều lấy Mã Yên Sơn
làm tiền án, lấy dãy Đại Vân làm hậu chẩm cho kinh thành. Núi Mã Yên cũng là
nơi Vua thường ngự trong mỗi lần duyệt thủy quân.
Lăng vua Lê Đại
Hành đã được trùng tu vào năm 2020, uy nghi xứng đáng với tầm vóc của vị Hoàng
đế. Vị thế lăng vua Đinh và lăng vua Lê nằm trong khu di tích Cố đô Hoa Lư, gắn
liền với các di tích trung tâm như: Đền thờ vua Đinh - vua Lê và các di tích phụ
cận khác. Ngoài giá trị lớn về mặt lịch sử - văn hóa, nơi ghi dấu ấn vẻ
vang của dân tộc, đây còn
là nơi được thiên nhiên ban tặng cảnh quan sơn thủy hữu tình, thu hút du khách
gần xa về thăm quan, chiêm bái, tri ân bậc vĩ nhân có công lớn với đất nước.
Phòng Nghiệp vụ Nghiên cứu
Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An