Trên vùng đất Cố đô Hoa Lư, mỗi di tích đền,
chùa, lăng tẩm nơi đây đều mang một màu sắc riêng biệt, một vẻ đẹp mộc mạc,
bình dị nhưng lại mang đậm dấu ấn của vùng kinh thành xưa. Lăng vua Đinh Tiên
Hoàng là đi tích nằm trong quần thể di tích Cố đô Hoa Lư, thuộc địa bàn xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Lăng vua Đinh Tiên
Hoàng tọa lạc trên đỉnh
núi Mã Yên. Vị trí đặt lăng vua Đinh là nơi đất
khá bằng phẳng ở phần võng xuống của chiếc yên ngựa trên đỉnh núi Mã Yên, ngoài
quan niệm phong thủy, người xưa còn có hàm ý đề cao tinh thần thượng võ của vua
Đinh, tuy đã về nơi thiên giới nhưng ngài
vẫn như đang còn trên yên ngựa thủa xưa, gợi nhớ mãi một thời võ công oanh
liệt của Ngài.
Lăng xây dựng trước đây bằng đá, quy
mô kiến trúc đơn giản. Dấu mốc thời gian xây dựng lăng được khắc
trên tấm bia đá đặt ngay bên cạnh lăng: “Đinh
triều Tiên Hoàng đế chi lăng. Minh Mạng nhị thập nhất niên, ngũ nguyệt, sơ nhị
nhật, phụng sắc kiến” (Lăng Đinh Tiên Hoàng đế. Ngày mồng 2 tháng 5 năm Minh Mạng
thứ 21 (1840) phụng chỉ xây dựng). Mặt sau của bia có hàng chữ:“Hàm Nghi nguyên
niên, cửu nguyệt, nhị thập tứ nhật trùng tu tiên đế lăng”(Hàm Nghi năm đầu (1885),
ngày 24 tháng 9, trùng tu lăng tiên đế). Theo ghi chép ở trên bia thì lăng được
xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 21, đến năm Hàm Nghi đầu tiên thì được trùng tu lại.
Bí ẩn về lăng mộ nơi đặt
thi hài vua Đinh Tiên Hoàng cho đến ngày nay vẫn còn nhiều giả thiết và các
cách lý giải khác nhau. Một giả thiết cho rằng,
sau khi nhà vua băng hà, bẩy vị quan trung thần đã tự tay khâm liệm rồi chuyển
qua cửa cung một trăm chiếc quan tài bằng đồng để đi chôn cất theo bốn hướng:
Đông, Tây, Nam, Bắc. Khi an táng vua về, bẩy vị quan đã chung nhau chén rượu độc
tuẫn tiết, mang theo bí mật về ngôi mộ thật của ngài. Sau này, nơi chôn cất của
vua Đinh được người xưa cho rằng có thể đang an vị tại núi Mã Yên, bởi tương truyền, khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế
năm 968, ông đã chọn Hoa Lư, một vùng núi non hiểm trở để xây dựng Kinh đô và lấy
núi Mã Yên làm án. Lăng vua Đinh được xây dựng trên đỉnh núi Mã Yên như muốn khẳng
định sự nghiệp cao cả của Đinh Tiên Hoàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Đường lên đỉnh mã Yên để viếng thăm lăng vua Đinh phải leo qua 265
bậc đá cheo leo dốc núi. Đứng trên đỉnh Mã Yên, bạn có thể quan sát toàn cảnh Cố đô Hoa Lư, dãy núi trùng trùng điệp điệp phía trước như
tường thành bao quanh, ngoài xa dòng Hoàng Giang như con rồng trở mình uốn
khúc.
Hiện tại, lăng vua Đinh Tiên Hoàng đã
được trùng tu vào năm 2020 trên nền tảng kiến trúc xưa, mang vẻ đẹp bề thế uy
nghi, thần bí và linh thiêng, là một địa điểm quan trọng trong khu di tích Cố
đô Hoa Lư.
Phòng
Nghiệp vụ Nghiên cứu
Ban Quản lý Quần thể
danh thắng Tràng An