Chùa có khuôn
viên rộng gần 3500m2 với nhiều cây cổ thụ xanh mát, cổng chùa hướng
Đông Nam, phía sau hướng Bắc chùa tựa lưng vào dãy núi đá vôi như tựa lưng vào
chiếc ngai thiên tạo. Chùa được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh: gồm hai tòa
Tiền đường và Hậu cung, hệ thống vì kèo bằng gỗ lim kết hợp với 18 cột đá và 12
cột gỗ, cửa gồm 12 cánh gỗ, ngưỡng cửa bằng đá. Mái chùa lợp ngói vẩy, trên xà gồ
câu đầu, ván mê chạm khắc tinh xảo hoa văn phong cách thời Nguyễn. Di tích là
nơi thờ cúng những nhân vật trong Phật giáo, có vị trí quan trọng trong đời
sống văn hoá, tâm linh của nhân dân như đức Phật A di đà, Quan Âm, Thích Ca Sơ
Sinh…Hệ thống tượng ở chùa Hoa Lâm khá đầy đủ, được bài trí hài hòa ở gian Tiền
đường và Hậu cung, gồm 23 pho tượng cổ bằng gỗ mít.

Tiền đường có Ban thờ Đức Ông (với nhiều
chức quan trọng, đặc biệt quán xuyến toàn bộ cảnh chùa); Thờ Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát (Đức Chí Tôn phong Ngài làm
U Minh Giáo Chủ, độ rỗi các linh hồn tội lỗi bị đọa ở U Minh Địa Giớ); thờ Thần
Khuyến Thiện và Thần Trừng Ác để nhắc nhở đạo đức mỗi người khi lên chùa niệm
Phật; Thờ hai vị thiền sư tu hành tại chùa, có nhiều công lao giúp dân làng,
giúp đất nước, đó là ông Vĩnh Tài,và Vĩnh Nhật người thôn Xuân Áng Nội, xã Ninh
Xuân (nằm trong vùng Hành cung Vũ Lâm) đã giúp vua nhà Trần chiêu mộ dân lưu
tán, khai hoang lập ấp tiến hành sản xuất nông nghiệp, tích trữ lương thực, góp
công sức làm nên chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, quét sạch
bóng quân giặc ra khỏi Đại Việt. Hai ông được vua phong tước nhưng không nhận
mà một lòng xuống tóc về chùa Hoa Lâm theo Phật tu hành, sau khi hai ông mất
nhân dân trong vùng đã tạc tượng để nhân dân thờ cúng và tưởng nhớ công ơn.
Sân chùa rộng, hai bên hiên chùa là
đôi Rồng đá kiến trúc thời Hậu Lê, giữa sân là vườn hoa có cụ rùa đội bia đá. Phía
ngoài hai bên góc sân là hai mộ tháp được xây dựng từ xưa khi sư tổ viên tịch.
Nhà
thờ Mẫu kiến trúc chữ Nhất gồm ba gian: thờ Mẫu, thờ Chúa Bản Đền, thờ Đức Thánh
Trần Triều. Tín ngưỡng thờ Tam tòa Thánh Mẫu: là sự tin tưởng ngưỡng mộ, tôn
vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được
người đời cho rằng có chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của
con người (như: trời, đất, sông nước, núi rừng) thờ những thái hậu, hoàng hậu,
công chúa là những người khi còn sống tài giỏi, có công với dân với nước, khi
mất hiển linh phù trợ cho người an vật thịnh. Các vị nữ thần này được tôn vinh
với các chức vị: Thánh Mẫu (như Thánh Mẫu Liễu Hạnh, chúa sứ Thánh Mẫu, linh
sơn Thánh Mẫu, Thượng Ngàn Thánh Mẫu), Quốc Mẫu (như Quốc Mẫu Âu Cơ), Vương Mẫu
(như người mẹ của Thánh Gióng được tôn vinh là Vương Mẫu …) Thờ Quan Trần
Triều: là tín ngưỡng thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo (Trần Quốc Tuấn, vị tướng tài ba
lỗi lạc thời nhà Trần).
Nhà
thờ tổ kiến trúc chữ Nhất gồm 3 gian: gian thờ sư tổ, gian tiếp khách, gian
nghỉ của sư trụ trì.
Chùa
Hoa Lâm là di tích lịch sử văn hóa ở tại vùng đất có nhiều ngôi chùa xuất hiện
khá sớm từ thế kỷ X như: Chùa và động Am Tiên (xã Trường Yên); chùa và động Hoa
Sơn (xã Ninh Hòa). Từ những đồ thờ cổ còn được chùa lưu giữ như: Văn bia, Rồng
đá, bát hương đá, hệ thống tượng phật…giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử hình
thành và văn hóa tâm linh của ngôi chùa cổ trên quê hương Hoa Lư.
Trong
kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Hoa Lâm là căn cứ hoạt động của chi bộ
Đảng, nơi lực lượng vũ trang, du kích hội họp. Trong cuộc chiến tranh phá hoại
của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, chùa Hoa Lâm đã 2 lần đón nhận bệnh viện Quân Y 105
sơ tán về, chùa cũng là kho dược điều trị phục vụ các chiến sĩ thương binh ở
chiến trường đưa về.
Chùa
Hoa Lâm với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thâm nghiêm và linh thiêng, ghi dấu
ấn lịch sử và văn hóa của vùng quê Ninh Xuân, nằm trong Quần thể di sản văn hóa
và thiên nhiên thế giới Tràng An, di tích luôn thu hút đông đảo du khách trong
và ngoài nước đến thăm quan, chiêm bái.
Phòng Nghiệp
vụ Nghiên Cứu
Ban quản lý
Quần thể Danh thắng Tràng An