Gmail

Fanpage

Liên hệ

image banner
     
image banner
image banner
image banner
THÁNH ĐỊA MỸ SƠN
Thánh địa Mỹ Sơn thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70 km về hướng tây nam, cách thành phố Hội An khoảng 40km.

Thánh địa Mỹ Sơn tọa lạc trong một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ, thâm nghiêm. Nơi đây, với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa được kết tinh trong những di chứng vật chất trường tồn, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong một thời gian dài suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII), được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam á như Ăngko, Pagan, Bôrôbudua. Các đền tháp nơi đây có nhiều kiểu thức, kiến trúc phong phú, song nhìn chung đều có tư thế vút lên cao biểu trưng cho sự vĩ đại và thanh khiết của ngọn núi Mêru (Ấn Độ).

Cấu trúc đền tháp ở Mỹ Sơn được chia thành nhiều cụm. Kết cấu mỗi cụm gồm có một ngôi đền thờ chính, bao quanh bằng những ngôi tháp nhỏ hoặc công trình phụ. Ngôi đền chính tượng trưng cho núi Meru – trung tâm vũ trụ, là nơi hội tụ của thần linh và thờ thần Siva. Các đền phụ thờ các vị thần trông coi hướng trời. Đền, tháp Chăm xây bằng gạch, ghép với những mangr trang trí bằng sa thạch. Chúng được xếp khít với nhau và đến ngày nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào xác định được chất kết dính.

Sau khi tường tháp được xây lên, những nhà điêu khắc mới bắt đầu trạm trổ, trang trí hoa văn trên tháp. Các mô típ trang trí hoa văn trên các trụ đá cùng với những tượng tròn và phù điêu sa thạch được chạm khắc dựa theo các thần thoại Ấn Độ giáo… Sự kết hợp hài hòa với những mô típ chạm trổ tinh xảo trên các mảng tường gạch ngoài tháp đã tạo cho quần thể đền tháp Mỹ Sơn vẻ đẹp mỹ miều, sinh động mang những nét đặc trưng nhất của các phong cách nghệ thuật Chămpa.

Trong số 225 di tích Chăm được phát hiện tại Việt Nam, riêng Mỹ Sơn có khoảng 70 đền tháp, 32 bi ký tồn tại ở các dạng khác nhau. Những đền tháp ở đây tuy không còn cái nào nguyên vẹn nhưng vẫn là những cứ liệu tốt nhất để tìm hiểu quá trình phát triển của nghệ thuật Chăm. Nghệ thuật điêu khắc Chăm tiếp nhận sâu sắc ảnh hưởng của Ấn Độ, nhưng trong quá trình phát triển tính bản địa ngày càng đậm nét và tính dân tộc ngày càng khẳng định, tạo nên vẻ độc đáo, sức hẫp dẫn kỳ lạ. Điêu khắc Chăm cũng có những hình ảnh thầy tu, vũ nữ khắc kỷ và khoái lạc nhưng nổi bật lên là đặc điểm về sức sống mãnh liệt của con người với nội tâm lúc bay bổng sảng khoái, lúc trầm tĩnh ưu tư, lúc trăn trở day dứt...

Thời gian và chiến tranh đã tàn phá di tích nặng nề. Nhưng những gì còn lại ở Mỹ Sơn vẫn đóng một vài trò cực kỳ quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật thế giới.

Tháng 12/1999, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Di sản thế giới được tổ chức ở Marrakesh (Maroc), Khu đền tháp Mỹ Sơn đã được UNESCO chọn là một trong các Di sản Văn hóa thế giới theo tiêu chuẩn 2 như là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hoá và theo tiêu chuẩn 3 như là bằng chứng duy nhất của một nền văn minh châu Á đã biến mất.

https://disanvanhoamyson.vn/

  • Từ khóa :
Tin mới